HUYỆN ỦY LÂM HÀ NHIỆM KỲ 2020-2025
Kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” trên địa bàn huyện Lâm Hà và những giải pháp triển khai hiệu quả trong thời gian tới In trang
18/04/2023 10:16 SA

Kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” trên địa bàn huyện Lâm Hà và những giải pháp triển khai hiệu quả trong thời gian tới

Nhận thức về công tác phát triển nền Đông y và Hội Đông y là một trong những yếu tố quan trọng cùng với hệ thống y tế nhà nước thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngay sau khi có Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về “phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Huyện ủy Lâm Hà đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/HU ngày 23/4/2012 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Tổ chức triển khai học tập, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, tích cực đưa Chỉ thị 24-CT/TW đi vào cuộc sống có hiệu quả.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “ phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, nhận thức của các tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận, các đoàn thể, các ngành liên quan, cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân được nâng lên, từ đó các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các phòng, ban, ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, gắn công tác xây dựng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với việc xây dựng phát triển nền Đông y cơ sở. Chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền trên địa bàn được nâng lên, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống khám, chữa bệnh bằng Đông y và quản lý nhà nước về Đông y, Đông dược 
Những năm qua, mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền trên địa bàn ngày càng được củng cố và hoạt động có hiệu quả cả về số lượng và chất lượng. Công tác khám, chữa bệnh bằng phương pháp Đông y, Đông - Tây y kết hợp và các bài thuốc gia truyền đã từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế trên địa bàn ngày càng tăng. Tại Trung tâm Y tế huyện có 01 phòng khám Đông y trực thuộc khoa YHCT-PHCN, có 12 cán bộ công tác Đông y trong đó có 01 BSCKI YHCT, 03 BSYHCT, 08 YSYHCT đang hoạt động chuyên môn châm cứu, bốc thuốc, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu, sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền trong khám và điều trị rất hiệu quả nên có sức thu hút người dân đến khám chữa bệnh bằng Đông y ngày càng tăng. 100% trạm Y tế xã, thị trấn có vườn thuốc nam mẫu và có cán bộ phụ trách công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; có 04 trạm y tế đạt danh hiệu tiên tiến về Y học cổ truyền. Nhìn chung, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân bằng phương pháp Y học cổ truyền kết hợp với Y học hiện đại ngày càng được cải thiện hơn. Số lượng bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp Y học cổ truyền năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền tăng dần qua các thời kỳ, giai đoạn 2008-2013: 9,7%, giai đoạn năm 2013-2018 chiếm 37,7%, giai đoạn năm 2018-2023 chiếm 58,3% so với khám và điều trị ngoại trú chung của tuyến huyện.
    Tuy mới được thành lập, song Khoa YHCT-PHCN của huyện luôn phấn đấu đổi mới phương thức, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.  Khoa YHCT-PHCN đã triển khai 162 danh mục kỹ thuật đúng tuyến theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT của Bộ Y tế: Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt, điện châm, cứu ngải, thủy châm…    
Làm tốt việc nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Đông y
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp toàn diện bền vững đến năm 2020 trên địa bàn huyện Lâm Hà, trong đó phát triển cây dược liệu 180 ha năm 2020 và đạt 300 ha đến năm 2025. Những năm 2008, 2013 và đến năm 2016, cây dược liệu chưa có xu hướng phát triển, chỉ có khoảng 10-15 ha thuộc loại cây gia vị và dược liệu như cây gừng, đinh lăng phát triển rải rác, không đáng kể, chủ yếu người dân trồng sử dụng trong gia đình. Đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện tổng diện tích cây dược liệu 48,35 ha, có các loại cây Đương quy, Xuyên khung, Tam thất, Đan Sâm, Đinh lăng, Ma hoàng, Cát cánh, Đẳng sâm, Máu chó, Mộc thông, Dây đau xương và Gừng, Nghệ đỏ. Kế hoạch năm 2018 phát triển khoảng 84,5 diện tích cây dược liệu trên địa bàn khu vực Nam Ban, Đông Thanh, Mê Linh, Tâm Hà, Tân Thanh… Năm 2018, diện tích cây dược liệu là 48,35 ha, trong đó có 18,5 ha cây dược liệu làm thuốc (đương quy, xuyên khung, tam thất, đan sâm, ma hoàng, cát cánh, máu chó, đẳng sâm, mộc thông…) và 29,85 ha trà hoa vàng, nghệ đỏ. Đến năm 2020, diện tích cây dược liệu là 18,5 ha, trong đó có 3,5 ha cây dược liệu làm thuốc (đương quy, xuyên khung, đinh lăng) và 15 ha trà hoa vàng, nghệ đỏ; Năm 2022, diện tích cây dược liệu là 9 ha, trong đó có 1,5 ha cây dược liệu làm thuốc (đương quy, đinh lăng, giảo cổ lam) và 7,5 ha trà hoa vàng. Tập trung tại xã Đông Thanh, Mê Linh và thị trấn Nam Ban.

Khu vực trồng dược liệu tại TTYT huyện
Khu vực trồng dược liệu tại TTYT huyện

Công tác xã hội hóa và hợp tác Y học cổ truyền
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 07 cơ sở hành nghề Đông y tư nhân. Từ năm 2008 đến nay các phòng khám, chẩn trị Y học cổ truyền tư nhân đã tiếp nhận và điều trị bằng thuốc Y học cổ truyền cho trên 3 triệu lượt người với các bệnh chủ yếu như: thoái hóa khớp, hội chứng thần kinh tọa, các bệnh thần kinh ngoại biên, viêm xoang, phục hồi di chứng đột qụy,... Việc sưu tầm, khai thác ứng dụng các bài thuốc hay, các cây thuốc quý và những kinh nghiệm trong phòng và chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. 
Các thầy thuốc Đông y đã kế thừa các bài thuốc hay, các loại dược liệu được nuôi trồng tại các gia đình, trạm Y tế làm thuốc và gia vị; tuyên truyền phổ biến nhân dân sử dụng thuốc nam sẵn có tại địa phương, sử dụng các phương pháp chữa bệnh bằng Đông y bằng những bài thuốc hay, cây thuốc quý, hướng dẫn cho nhân dân biết sử dụng cây rau làm thuốc, cây cảnh làm thuốc… 
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực đối với Đông y
Hàng năm ngành Y tế huyện nhà đều xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho hoạt động khám chữa bệnh về YHCT. Bổ sung nhân lực về Bác sĩ YHCT và Điều dưỡng Phục hồi chức năng đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh YHCT-PHCN tại đơn vị. 
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh bằng Đông y cho nhân dân trên địa bàn, trong khi đó số lượng bệnh nhân có nhu cầu khám chữa bệnh bằng Đông y ngày càng tăng; công tác đông y ở cấp xã còn có những khó khăn và hạn chế: trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác Đông y tại tuyến xã còn thấp, đa số cán bộ làm Đông y đều là kiêm nhiệm; nguồn lực đầu tư cho phát triển Đông y còn hạn chế; một số trạm Y tế còn thiếu về y dụng cụ, trang thiết bị và nhân lực làm công tác Đông y, chất lượng hoạt động Đông y chưa cao; việc đầu tư duy trì vườn thuốc nam kiểu mẫu tại trạm Y tế các xã, thị trấn còn gặp khó khăn; Chi Hội Đông y hầu hết công tác tại khoa Đông y và trạm Y tế nên áp lực công việc nhiều, phải kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế nên việc sưu tầm, bào tồn và nhân rộng những bài thuốc hay, cây thuốc quý trong nhân dân đôi lúc chưa kịp thời.
Nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chưa thật sự quan tâm đến vai trò và tầm quan trọng của việc khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên về lợi ích của Đông y đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại địa phương; nhận thức của một bộ phận người dân về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa cao, một số hội viên trong Chi Hội chưa tích cực, chủ động trong hoạt động, chưa làm tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động; công tác quản lý, kiểm tra hoạt động Đông y đã được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên vần còn một vài đối tượng hoạt động khám chữa bệnh lén lút, sai quy định chưa được phát hiện và xử lý triệt để.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:
1. Củng cố tổ chức mạng lưới hoạt động của Chi Hội Đông y từ huyện đến cơ sở. Tích cực đẩy mạnh việc bồi dưỡng chuyên môn cho lương y để đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chú trọng việc giáo dục Y đức cho đội ngũ cán bộ lương y, hội viên lấy 9 điều y huấn cách ngôn của Đại Y Tôn Hải Thượng Lãn Ông và 12 điều Y đức của Bộ Y tế làm chuẩn mực y đức của người thầy thuốc Đông y để Chi Hội Đông y huyện có một đội ngũ thầy thuốc giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức, tham gia tích cực vào công tác hội nhằm góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng YHCT.
2.  Chỉ đạo chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành Đông y nói riêng và ngành y tế nói chung theo tinh thần của Chỉ thị 06-CT/TW về việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị 24-CT/TW trong việc phát triển Hội đông y phù hợp với điều kiện, đặc thù của huyện. 
3. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế huyện tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các thành tựu trong lĩnh vực điều trị bằng Đông y, Đông - Tây y kết hợp mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân.
4. Đẩy mạnh công tác đào tạo, chuẩn hoá lương y thừa kế, giữ gìn phát huy những vốn quý từ các bài thuốc gia truyền trong nhân dân.
5. Tiếp tục tăng cường các hoạt động quản lý trên lĩnh vực Đông y, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh; đồng thời phát hiện, hướng dẫn, khuyến khích người dân tiến hành các thủ tục đăng ký để được cấp phép hoạt động đối với những bài thuốc, phương thuốc gia truyền có hiệu quả trong điều trị bệnh.
    6. Tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức quản lý công tác Y dược cổ truyền, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách YHCT tuyến huyện, xã, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển y dược cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
    7. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực y, dược cổ truyền, tăng cường các dịch vụ kỹ thuật hiện đại như cấy chỉ, châm cứu laser, xông thuốc,…
    8. Củng cố và phát triển vườn cây thuốc nam tại các trạm Y tế xã, thị trấn. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, giúp nhân dân hiểu đúng về tác dụng, hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị của Y dược cổ truyền; về các thành tựu của y dược cổ truyền. Phát động phong trào trồng và sử dụng thuốc nam trong nhân dân, thực hiện “Thầy tại nhà, Thuốc tại vườn”.
Nhìn chung qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của nền đông y Việt Nam và Hội Đông y các cấp đã được nâng lên, hứa hẹn sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị và đặc biệt là phát huy được vai trò bảo vệ, chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân.

                                    Mai Anh
 

Lượt xem: 252
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000302418
  •  Đang online: 5
  •  Trong tuần: 713
  •  Trong tháng: 7.964
  •  Trong năm: 41.281