Kết quả thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn huyện Lâm Hà
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và chỉ đạo “kết hợp thuốc Đông y với Tây y”. Người dặn dò: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chưa đầy một năm sau ngày Tuyên ngôn Độc lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 22/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Bội Nội vụ ban hành Nghị định số 337/NV/PC/NĐ thành lập Nghiên cứu Nam dược Hội, tiền thân của Hội Đông y ngày nay.
Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà
Ngày 4/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TW về Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, tuy việc khám chữa bệnh bằng Đông y được mở rộng, số lượng cán bộ tăng, trình độ chuyên môn nâng cao, thuốc Đông y đa dạng về chủng loại, hoạt động xã hội hóa và công tác quản lý hành nghề Đông y có những tiến bộ đáng kể, nhưng sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, chưa ngang tầm yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ đó đặt ra yêu cầu: “Phát triển nền Đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội”.
Sau khi có Chỉ thị số 24-CT/TW, huyện Lâm Hà đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp. 15 năm thực hiện Chỉ thị trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua học tập Chỉ thị, nhận thức của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; vai trò của nền Đông y ngày càng đóng góp quan trọng trong hệ thống y tế trên địa bàn huyện. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y thường xuyên được quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở hành nghề Đông y tư nhân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thực hiện trồng và lưu giữ các loại cây thuốc quý, phát huy các bài thuốc gia truyền, lành mạnh hóa công tác khám, chữa bệnh bằng Đông y. Mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học dược cổ truyền ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng và hoạt động có hiệu quả.
Phòng điều trị khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà
Tại Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng 01 Phòng khám Đông y trực thuộc khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, có 12 cán bộ công tác Đông y, trong đó 01 bác sỹ chuyên khoa I y học cổ truyền, 03 bác sỹ y học cổ truyền, 08 y sỹ y học cổ truyền đang hoạt động chuyên môn châm cứu, bốc thuốc, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu, sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền trong khám và điều trị rất hiệu quả, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng tăng. 16/16 trạm Y tế xã, thị trấn có vườn thuốc nam mẫu và có cán bộ phụ trách công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; có 04 trạm y tế đạt danh hiệu tiên tiến về y học cổ truyền. Chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại ngày càng được cải thiện, số lượng bệnh nhân điều trị bằng y học cổ truyền tăng dần qua các năm: giai đoạn 2008- 2013 là 9,7%, giai đoạn 2013- 2018 là 37,7%, giai đoạn 2018-2023 là 58,3% so với khám và điều trị ngoại trú chung của tuyến huyện.
Có thể thấy, tuy mới thành lập, song khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng của huyện luôn nỗ lực phấn đấu, đổi mới phương thức, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, khoa đã triển khai 162 danh mục kỹ thuật đúng tuyến theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định chi tiết tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hằng năm ngành Y tế huyện luôn quan tâm, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực cho hoạt động khám chữa bệnh về y học cổ truyền. Bổ sung bác sỹ, điều dưỡng phục hồi chức năng đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền tại đơn vị.
Bên cạnh hệ thống khám chữa bệnh của nhà nước, trên địa bàn huyện hiện nay có 07 cơ sở hành nghề Đông y tư nhân. Các thầy thuốc Đông y đã kế thừa các bài thuốc hau, các loại dược liệu nuôi trồng tại gia đình, trạm y tế làm thuốc và gia vị; khai thái, ứng dụng các bài thuốc hay, cây thuốc quý và những kinh nghiệm trong phòng, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực.
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp toàn diện bền vững đến năm 2020 trên địa bàn huyện, đến cuối năm 2017 diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện là 48,35ha với các loại cây Đương quy, Xuyên khung, Tam thất, Đam sâm, Đinh lăng, Ma hoàng, Cát cánh, Đẳng sâm, Mộc thông, máu chó, dây đau xương, gừng, nghệ đỏ. Đến năm 2020 diện tích cây dược liệu là 18,5ha, trong đó 3,5 ha cây dược liệu làm thuốc, 15 ha trà hoa vàng, nghệ đỏ. Cuối năm 2022 diện tích cây dược liệu là 9 ha, trong đó 1,5 ha cây dược liệu làm thuốc, 7,5 ha trà hoa vàng, chủ yếu tập trung tại xã Đông Thanh, Mê Linh, thị trấn Nam Ban. Cây dược liệu cho thu nhập cao hơn so với một số cây trồng khác và phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Tuy nhiên, diện tích cây dược liệu hàng năm giảm do đầu ra sản phẩm không ổn định.
Bênh cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Chỉ thị cũng gặp những khó khăn, hạn chế đó là: Nguồn lực đầu tư cho phát triển Đông y còn hạn chế; thủ tục thanh quyết toán BHYT còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất đầu tư cho công tác khám, chữa bệnh bằng Đông y chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân. Trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác Đông y tuyến xã còn thấp. Chưa chú trọng lồng ghép giữa khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, phương pháp Đông – tây y kết hợp chưa được phổ biến rộng rãi. Việc đầu tư duy trì vườn thuốc nam kiểu mẫu tại trạm y tế xã, thị trấn gặp khó khăn. Chi hội Đông y hầu hết là đội ngũ y bác sỹ công tác tại khoa Đông y và trạm y tế, kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế nên việc sưu tầm, bảo tồn và nhân rộng những bài thuốc hay, cây thuốc quý trong nhân dân còn hạn chế. Chưa phát triển được nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương, chưa có mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai Chỉ thị.
Hiện nay, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, nhu cầu khám, chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y tăng cao. Đặt ra yều cầu cần các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 24-CT/TW về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục y đức đối với những người hoạt động trong lĩnh vực đông y gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Qua tâm tạo điều kiện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Y học cổ truyền, khuyến khích, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành Đông y, đông dược. Nâng cao năng lực chuyên môn, triển khai dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền, chú trọng triển khai các phương pháp điều trị không dùng thuốc, sử dụng thuốc nam tại nhà. đông y, hoặc đông y kết hợp tây y.
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các thành tựu trong lĩnh vực điều trị bằng Đông y, Đông – Tây y, kết hợp kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đảm bảo tỷ lệ người bệnh được khám chữa bệnh mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân.
Củng cố tổ chức mạng lưới hoạt động của Chi hội Đông y từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh việc bời dưỡng chuyên môn cho lương y.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khám chữa bệnh Đông y, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.
Thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực y, dược cổ truyền, tăng cường các dịch vụ kỹ thuật hiện đại như cấy chỉ, châm cứu laser, xông thuốc...
Duy trì và phát triển các vườn thuốc nam mẫu tại Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông vê thuốc và phương pháp điều trị y dược cổ truyền, giúp nhân dân hiểu đúng về tác dụng, hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị của Y học cổ truyền, về các thành tựu của y dược cổ truyền. Đẩy mạnh việc sưu tầm thêm các cây thuốc sẵn có tại địa phương vào vườn thuốc nam, khóm thuốc gia đình. Phát động phong trào trồng và sử dụng thuốc nam trong nhân dân, thực hiện “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”.
Đầu tư đúng và đầy đủ cho y học cổ truyền phát triển song song với những tiến bộ của y khoa hiện đại là chiến lược quan trọng của ngành y tế, hướng đến mục tiêu chăm sóc toàn diện về sức khỏe cho tất cả người dân trong cộng đồng, tiến đến tăng tuổi thọ, cải thiện tốt chất lượng cuộc sống.
Bích Hằng - BDV