QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
Bàn về vấn đề Hòa hợp dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh  trong tình hình mới hiện nay In trang
27/02/2023 08:56 SA

Bàn về vấn đề Hòa hợp dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh  trong tình hình mới hiện nay

Hòa hợp dân tộc (hòa giải) ở Việt Nam là một khái niệm để chỉ sự hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ người Việt phát sinh từ năm 1945 đến ngày nay. Bác Hồ sinh ra, lớn lên trong cái nôi của văn hóa Lam Hồng, đã thuộc nằm lòng những câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng; Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Và, những câu tục ngữ: Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại; Quay lại là bờ…Những tri thức, giá trị văn hóa này thấm đẫm trong từng trang viết, trong cách ứng xử của Người với nhân dân, với bạn bè, đồng chí và cả với những người ở phía đối địch. Cốt cách văn hóa của một nhà văn hóa trong tư tưởng hòa hợp dân tộc là một nét rất điển hình của Bác.
Bác đã nghiên cứu kỹ khi lấy Tuyên ngôn Độc Lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp để đưa vào trong phần mở đầu (và quan trọng nhất) của Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc ở Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại buổi lễ ấy, khi đọc bản Tuyên ngôn, Bác đã hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Bác là người xứ Nghệ, giọng nói hơi nặng, sợ mọi người nghe không rõ nên Bác hỏi. Câu hỏi này rõ ràng là bột phát, không chuẩn bị sẵn. Ngoài sự quan tâm đến người nghe là xuất thần từ tâm thức, từ tận đáy lòng của Bác, ấy là tình cảm ruột thịt gắn kết giữa người hỏi và người nghe. “Đồng bào” - Đồng (cùng) và Bào (ruột). Bác đọc Tuyên ngôn độc lập hôm đó có hàng triệu người nghe. Trực tiếp ở Quảng trường Ba Đình có hàng nghìn người, qua đài phát thanh truyền đi cả nước và trên thế giới; trong đó có cả những người chống lại cách mạng, phản động, tay sai của thực dân Pháp, Phát xít Nhật và binh lính, quan lại phong kiến và nhiều người của các đảng phái phản động.Không chỉ là sách lược mà còn là tư tưởng hòa giải của Bác ngay từ ngày đầu của chính quyền cách mạng. 
Với Hoàng tộc nhà Nguyễn, ngay những ngày biến động lịch sử xảy ra tháng 8 - 1945, Bác Hồ đã thể hiện tinh thần hòa giải triệt để. Ngoài việc bảo đảm an toàn cho tất cả các quan chức của triều đình nhà Nguyễn, Bác đã cử ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Lao động thay mặt Bác và Chính phủ vào Huế, đến tận Hoàng cung gặp vợ con Bảo Đại để thăm, động viên họ. Tinh thần hòa giải và sự quan tâm của Bác đã làm bà Nam Phương Hoàng hậu xúc động, biết ơn. Bà còn đứng ra tổ chức quyên góp và đóng góp trong “Tuần lễ vàng”, bằng cả tài sản của riêng mình. Chính sự hòa giải của Bác mà có đến 8 trong 10 vị của chính phủ Trần Trọng Kim, nội các của vua Bảo Đại đã đi theo cách mạng như các ông Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hoè, Bùi Bằng Đoàn…Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã mời vua Bảo Đại và linh mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tối cao. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946 - 1955) lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đến ngày toàn thắng có 18 bộ trưởng thì có đến 9 vị không phải Đảng viên Đảng Cộng sản (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Đặng Văn Hướng), trong đó có nhiều vị quan lại cao cấp của chính quyền cũ. Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được nhân dân cả nước bầu năm 1946, trong số 333 đại biểu thì có đến 213 vị không phải là Việt Minh. Trong đó có nhiều người thuộc các đảng phái như Việt Quốc, Việt Cách hoặc các đảng viên của Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Nhiều vị đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng từ những ngày còn trứng nước và kháng chiến gian khổ như Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Đình Hòa, Đỗ Đức Dục, Tôn Thất Tùng…Cùng với cốt cách văn hóa của hòa giải mà ngay lúc đất nước vô vàn khó khăn thiếu thốn và gian khổ mà hàng loạt trí thức Việt Nam đang ở Pháp, nơi thanh bình hoa lệ đã về nước tham gia kháng chiến. Bắt đầu là bốn vị trí thức tiêu biểu theo Bác về nước khi Bác sang Pháp và ký Hiệp đình ngày 06-3-1946: Trần Hữu Tước, Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, Võ Đình Huỳnh. Những năm sau đó là Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Lương Định Của… đã tạo nên đội ngũ trí thức cách mạng, là cơ sở cho sự nghiệp chung chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước ngày nay.
Hòa giải - căn cốt văn hóa Hồ Chí Minh trong ứng xử với kẻ đối địch bắt nguồn từ lịch sử. Cương quyết với kẻ địch nhưng cũng đối xử rất văn hóa và nhân đạo với họ. Chính Bác đã thả tự do cho ông Ngô Đình Diệm khi bị bắt giữ ở Thái Nguyên sau Cách mạng tháng Tám. Ngoài ra, hàng binh, tù binh Pháp cũng được đối xử tử tế. Họ được cung cấp thực phẩm, thuốc men trong lúc kháng chiến, nhân dân và bộ đội ta đang thiếu thốn trăm bề. Bác quý trọng nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ mặc dù quân đội Pháp và Mỹ đang tàn phá, bắn giết nhân dân ta. Có thế mới có những Raymon Dien, Norman Morrison sẵn sàng hy sinh để ủng hộ nhân dân Việt Nam, mới được nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ trói tay bọn xâm lược và cả thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến.Trong cuộc chiến tranh tàn khốc, ác liệt với bao tang tóc đau thương do Mỹ gây ra cho Việt Nam nhưng đã nhiều lần, trong các bài nói, bài viết và thư từ gửi các Tổng thống Mỹ, bao giờ Bác cũng để ngỏ khả năng “trải thảm cho quân Mỹ rút” khỏi Việt Nam. Thư chúc Tết cuối cùng của Bác, xuân 1968, Bác viết: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.Mỹ đưa quân vào gây chiến tranh thì Mỹ phải “cút” chứ Bác không chủ trương giết sạch quân lính Mỹ. Bác cũng từng kêu gọi, “Hễ còn một tên xâm lược thì ta phải quét sạch nó đi” chứ không phải là “giết sạch nó đi”. Đó là hòa giải, là tư tưởng của cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh. Chỉ có xóa bỏ hận thù mới là nền móng vững chắc cho một nền hòa bình bền vững để bảo vệ và phát triển đất nước.
Hiện nay Hòa giải và hòa hợp dân tộc được nhiều người Việt Nam đang sống trong hoặc ngoài Việt Nam đề cập đến trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội; mối quan hệ với Pháp, Mỹ ngày càng phát triển về mọi mặt; tình hình chính trị thế giới thay đổi; nhà nước đang thực hiện các cải cách trên nhiều lĩnh vực và nhất là trình độ dân trí ngày càng cao, đồng thời đây cũng là cách để thu hút nguồn lực của người Việt ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng về cơ bản người Việt ở nước ngoài là những người có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, người Việt Nam ở một số nước còn khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, chưa được hưởng quy chế rõ ràng, thậm chí ở một số nơi còn bị kỳ thị. Một bộ phận đồng bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước. Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá chính quyền Việt Nam, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Năm 2005, ông Võ Văn Kiệt, cố thủ tướng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phát biểu "Suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là làm sao để không còn những nhà lãnh đạo phải trưởng thành từ chiến tranh như chúng tôi nữa. .. Nói như thế có nghĩa là tôi mong chiến tranh thật sự phải thuộc về quá khứ. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại... Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp… Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 36-NQ/TW "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài" có nêu "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam...Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Phát biểu tại Đại hội VIII của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.  Nghị quyết Đại hội Đảng XII nêu rõ: "Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước". Thể hiện rõ nét nhất, trong đại dịch Covid 19 xảy ra trên toàn cầu vừa qua, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch trong nước nhưng đồng thời sẵn sàng tổ chức nhiều chuyến bay đưa người Việt ở khắp nơi trên thế giới hồi hương dù gặp rất nhiều khó khăn.

UBMTTQ tỉnh tổ chức gặp mặt kiều bào về quê ăn Tết nguyên đán
UBMTTQ tỉnh tổ chức gặp mặt kiều bào về quê ăn Tết nguyên đán

Trong tình hình mới hiện nay với nhiều khó khăn, thách thức đối với địa phương, đất nước, để thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc thành công cần:
Lấy lợi ích dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa. Dân tộc Việt Nam có truyền thống tương thân, tương ái thì dù sinh sống ở đâu, cái nghĩa đồng bào vẫn là điểm trọng. Con cái có thể lúc này hay lúc khác vì các lý do khác nhau mà ra đi, mà có những khác biệt nhưng đất mẹ luôn bao dung, rộng vòng tay đón những đứa con trở về.
Tôn trọng lịch sử, không khoét sâu hận thù. Không có cuộc chiến tranh nào mà không có đau thương, mất mát, không có chia ly kẻ đi, người ở, không có những hận thù nhưng tất cả khi đã là quá khứ, người Việt phải biết để nó lại đằng sau, biết lấy đó làm bài học để tránh lặp lại. 
Lấy chân thành để xóa thù hận: Những khác biệt trong quan điểm giữa bộ phận người Việt ở nước ngoài với đất nước cần được giải quyết bằng sự chân tình. Trên cơ sở quan điểm, đường lối vì sự phát triển và ổn định về kinh tế-chính trị-xã hội của đất nước Việt Nam, vì sự thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, người Việt cần đến với nhau bằng sự thực tâm, phía chính quyền trong nước cần tiếp tục chủ động mở rộng tiếp xúc cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với chế độ chính trị trong nước; tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương.
Cần vạch trần âm mưu lợi dụng hòa hợp, hòa giải dân tộc để chống phá chính quyền Việt Nam. 
Cần nhận thức rằng, dù còn những khác biệt, những vách ngăn chưa được tháo gỡ song xu thế đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành nguyện vọng chung của hầu hết người Việt Nam. Dù ở đâu, bất cứ ai cũng có quyền về quê hương đất mẹ để thăm lại cố hương, nhớ lại tuổi thơ yên bình, gặp lại người thân, thắp nén nhang cho người thân đã khuất, không có gì cản trở những ý nguyện tốt đẹp của bất cứ ai đối với đất nước mình. Sự chống phá chỉ là thiểu số và ngày càng lạc lõng, đơn điệu trong xu thế phát triển đất nước, sự hội nhập sâu rộng.
Hòa giải dân tộc, hòa giải quốc tế, ngay cả với kẻ thù mới có “Sen tàn cúc lại nở hoa”, “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” như các Tổng thống Mỹ đã đến Việt Nam, mượn Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du để nói về quan hệ của hai nước vốn là kẻ thù của nhau trong lịch sử. Họ làm thế bởi họ rất hiểu hòa giải - một cốt cách văn hóa của Hồ Chí Minh là tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Hiền Lương

Lượt xem: 747
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000323791
  •  Đang online: 8
  •  Trong tuần: 1.237
  •  Trong tháng: 14.795
  •  Trong năm: 62.654