QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
GƯƠNG SÁNG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH In trang
31/08/2022 04:43 CH

GƯƠNG SÁNG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Thấm nhuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người phụ nữ dân tộc K’Ho ở Tổ dân phố Đa Huynh, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà là người mẹ vĩ đại với tấm lòng nhân ái và cũng là thủ lĩnh dẫn đường cho buôn làng trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. 

Người mẹ K’ Hiếu bên những đứa trẻ

Người Mẹ K’Ho vĩ đại
Bà K’Hiếu mồ côi mẹ khi lên 4 tuổi, sau khi bố đi thêm bước nữa, bà chuyển sang sống cùng chị họ. Lớn lên trong gian nan, vất vả, thiếu thốn tình cảm, lúc ở nhà người này, lúc ở nhà người khác, lúc thì bế em giúp người ta, lúc cắt cỏ thuê kiếm cơm qua ngày. Bà kể: “Từ nhỏ đã khổ rồi, sống trong cảnh không nhà, không cửa, không cha, không mẹ, tủi nhục lắm nên thấy các cháu có hoàn cảnh như thế thì thương lắm, mình thì không có con nhưng mình đã cưu mang 9 đứa trẻ cơ nhỡ, bị bỏ rơi từ nhỏ, nuôi nấng khôn lớn rồi dựng vợ, gả chồng, chia đất, làm nhà cho các con”.
Bà tâm sự: “Năm 1975, tôi may mắn được Nhà nước cho đi học y tế ở xã Thạnh Mỹ (nay là thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương). Sau khi học xong, nữ y tá ngoài công việc ở Trạm Y tế Đinh Văn tôi còn tham gia công tác phụ nữ, mặt trận, đoàn thể ở địa phương. Năm 1979 thì lấy chồng, sinh được một con trai nhưng nuôi được 3 tháng thì đứa trẻ về với Giàng - chết. Liên tiếp sau đó là những bệnh tật ập xuống gia đình, chồng qua đời, còn tôi trải qua 2 lần mổ u nang buồng trứng nên không còn khả năng sinh con nữa; khó khăn chồng chất, khó khăn”. 
Thế nhưng bà đã cố gắng vượt qua, với tấm lòng nhân hậu, bà không nỡ nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn mà không giúp, lần lượt nhận nuôi những đứa trẻ không nơi nương tựa, bà đã có 9 người con nuôi. Ngôi nhà nhỏ của bà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười con cháu, bữa ăn nào cũng kín cả chiếu. Bà kể: “Mặc dù không có nhưng cũng cố gắng chăm lo cho các con, cũng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của địa phương, những tấm lòng hảo tâm mà tôi có thể nuôi các con ăn học tới lớp 10, lớp 12 rồi định hướng cho chúng học nghề, mua cho chiếc xe máy làm phương tiện mưu sinh, rồi chia đất cho chúng làm nhà, đó là tất cả những gì mà tôi có thể làm cho chúng”. Bà kể xong mà những giọt nước mắt hạnh phúc vẫn lăn dài trên gò má.
Tấm lòng hy sinh của người mẹ K’Ho với những đứa trẻ bất hạnh là vô bờ bến, thậm chí khi ở tuổi còn xuân, nhiều người khuyên bà đi bước nữa nhưng phải hơn 5 năm sau bà mới “cưới chồng”. Bà kể “Lúc đó mình đã nuôi 4 con rồi, mình sợ cưới chồng về lỡ ông ấy không thương các con thì khổ lũ trẻ; mãi đến khi ông ấy đồng ý và hứa cùng tôi nuôi các con, tôi mới nhận lời”.
Bà vừa dứt lời thì cậu thanh niên tật nguyền dùng hai tay lết ra phía cửa, mặt hớn hở khi thấy người lạ vào. Bà nói: “Đó là K’Niệm, sinh năm 2000, cách đây 22 năm, khoảng 8 giờ sáng K’Niệm chào đời, bị bỏ lại Trung tâm y tế huyện Lâm Hà. Tôi nghe tin, thương quá nên mang cậu về nuôi nhưng gần một năm sau, K’Niệm có những biểu hiện bất thường hay thẫn thờ, lúc lại leo trèo khắp nơi”. Bà đã đưa con đi khám thì kết quả đứa trẻ bị tâm thần bẩm sinh, rồi bà đưa con xuống Thành phố Hồ Chí Minh chạy chữa: “Suốt 7 năm ròng rã, hai mẹ con tá túc ở Bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng bệnh của con không có dấu hiệu thuyên giảm, cuối cùng chỉ biết mang nó về. Sau đó nó bị liệt ngồi một chỗ, gần đây nó dùng tay lết đi được”, bà ngậm ngùi kể.
Nhiều người khuyên bà gửi con vào trung tâm bảo trợ cho đỡ vất vả. Bà mang con đến nhưng cán bộ ở trung tâm nói thiếu người và đề nghị nuôi cả hai mẹ con để tiện chăm sóc nhưng bà không thể nhận lời vì còn đàn con ở nhà. Điều mà người mẹ này lo lắng nhất là một ngày bà rời cõi đời này, con trai sẽ không có ai chăm sóc.

Bà K’Hiếu tại một buổi giao lưu điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thủ lĩnh dẫn đường cho buôn làng 
Bà K’Hiếu năm nay đã 63 tuổi, là già làng của tổ dân phố Xoan, bà có dáng người nhỏ nhắn nhưng lại ẩn chứa sức mạnh, nghị lực phi thường. Mặc dù phải lo toan rất nhiều thứ cho cuộc sống gia đình nhưng bà vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với bà con. Nhiều năm liền bà là cán bộ y tế, bí thư chi bộ tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, chi hội trưởng phụ nữ của thôn, tổ trưởng tổ hoà giải… Đến nay vì lý do sức khỏe nên bà chỉ đảm nhận vai trò Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ dân phố Xoan.
Tổ dân phố Xoan đại đa số các hộ dân là người đồng bào K’Ho, trình độ dân trí thấp nên việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Với những tâm huyết và mong muốn giúp cho bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, bà đã dạy cho bà con cách làm ăn, thực hành tiết kiệm, bà đã tìm cách nói sao cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm, đưa ra những ví dụ cụ thể như: “Đi mò cua, bắt ốc bán được 100 ngàn thì bớt lại 10 ngàn giữ tiết kiệm, mỗi lần nấu cơm bớt đi 01 bát gạo, cứ thế 10 lần sẽ có một hũ gạo, dùng gạo này nuôi lợn. Cặp lợn sinh ra bán một nửa lấy tiền tiết kiệm, một nửa trang trải cuộc sống, dần dần có vốn mua thêm trâu, bò”. Hay khi bà con vay vốn chính sách phát triển kinh tế, bà cũng tiên phong làm mẫu, chia sẻ cách sử dụng nguốn vốn có hiệu quả: “mua con bò, con heo làm giống, đầu tư chuyển đổi cây cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn. Hàng tháng cố gắng để dành vài trăm ngàn tiết kiệm, tháng nào có thì 400-500 ngàn đồng, tháng nào ít thì 100-200 ngàn. Đến khi tới hạn trả nợ Nhà nước là đã có sẵn một khoản tiền tiết kiệm bù vào, đỡ phải lo”.
Những năm gần đây, khi đất đai tăng giá, nhiều người K’Ho đua nhau bán vườn mua xe, xây nhà dẫn đến hậu quả thiếu đất canh tác, con cháu không có công ăn việc làm, không có đất ở... nhưng riêng Tổ dân phố Xoan số người bán đất rất ít, cũng nhờ bà vận động tốt. Bà lấy những người bán đất xong, tiêu xài phung phí để rồi tiền hết, đất cũng hết ra làm ví dụ cho bà con. Bà nói: “đất đai là của cha ông để lại phải giữ cho con cháu mai sau”, bản thân bà không những không bán đất mà tích cóp mua thêm đất để chia cho con cháu. Bà con lấy đó làm gương, yên tâm lao động sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Trong những năm qua bà con ở Tổ dân phố Xoan được bà dẫn đường, chỉ lối, chăm chỉ làm ăn, một lòng theo Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Tích cực xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh
Nhờ Đảng, nhờ Nhà nước mà bà được đi học, mở mang tầm mắt, số phận tươi sáng nên người phụ nữ này luôn giữ lời thề phải sống tốt với Đảng, với Nhà nước. Đi đâu, làm gì, bà cũng nhắc nhở bà con thấy ai làm việc tốt thì làm theo chứ đừng nghe lời kẻ xấu rồi sa ngã, nghiện ngập.
Bà thường xuyên vận động bà con xoá bỏ những hủ tục lạc hậu nhất là tục thách cưới, 10 năm nay ở thôn Xoan gần như bỏ hoàn toàn. Bà giải thích: “Ngày trước người ta thách cưới nào chum, chóe, trâu bò nhiều lắm. Nhiều nhà vì cưới hỏi mà bán hết rẫy rồi lấy đất đâu trồng khoai, trồng cà phê, thế là đã nghèo lại càng nghèo”. Từ đó, hễ gia đình nào có đám cưới, già làng K’Hiếu lại đến nói chuyện, khuyên nhủ, lấy bản thân bà ra làm gương “đi trước” để bà con noi theo. Khi trong nhà có con cháu lấy vợ, lấy chồng, bà không thách cưới, không nhận bất kỳ lễ vật nào. Bên cạnh đó, tục ma chay của đồng bào K’Ho ở đây cũng đơn giản đi nhiều, không tổ chức ăn uống linh đình như trước kéo dài cả tuần, bỏ hẳn tục chia của cho người đã chết, tránh lãng phí, tốn kém.
Cũng nhờ già làng K’Hiếu mà bà con K’Ho ở Xoan không còn lạm dụng cúng bái như trước, nhất là khi ốm đau. Bà lập luận một cách đơn giản, dễ hiểu nhưng rất thuyết phục: “Khi bị bệnh, bỏ năm, bảy triệu đi bác sĩ còn được khám bằng máy móc, được băng bó vết thương, được cho viên thuốc. Ví dụ mình hư quả thận, bác sĩ dùng máy móc sẽ nhìn thấy, thay cho mình quả thận sẽ khỏe mạnh trở lại. Ngược lại, việc cúng bái rất tốn kém nhưng chẳng được viên thuốc nào, ông thầy phán thế nào chỉ biết nghe thế chứ không có cơ sở nào cả”.
Không ít lần bà con nói: “Bà ngăn không cúng, nếu con cháu tôi chết thì làm sao?”. Bà nhẹ nhàng giải thích và tập trung vào những gia đình hiểu biết để vận động đưa con cháu đến trạm y tế, bệnh viện khi ốm đau. Rồi từ một, hai và nhiều trường hợp khỏi bệnh nhờ bác sĩ, bà con tin lời già làng K’Hiếu”. “Muốn người khác nghe thì bản thân làm cái gì cũng phải đi trước làm gương, biết cái gì thì nói cái đó, đừng nói một đằng làm một nẻo, đã nói là phải làm như lời Bác Hồ dạy. Dù là lãnh đạo vĩ đại nhưng Bác vẫn cần cù, chịu cực, chịu khổ được thì tại sao mình không làm được; mình tự đọc truyện về Bác rồi soi vào bản thân mà học theo”. 
Không chỉ tích cực vận động bà con xây dựng đời sống mới, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng đến với người dân, bà còn hiến hàng nghìn m2 đất để xây nhà văn hoá, làm đường giao thông nông thôn. Với những tâm huyết, cống hiến và sự hi sinh thầm lặng, học tập Bác thông qua những việc làm thiết thực nhất. Bà đã quên đi bản thân mình mà sưởi ấm cho những mảnh đời bất hạnh; dẫn đường, chỉ lối cho bà con biết làm ăn, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuốc sống ấm no, hạnh phúc. Bà xứng đáng là tấm gương sáng tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để chúng ta học tập và noi theo. Những việc làm của bà đã được các ngành, các cấp ghi nhận và biểu dương, khen thưởng. Bà đã vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2007-2010 và 2011- 2015. Ngoài ra, bà còn nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương tặng khen thưởng.

Hồng Toan - BTG
 

Lượt xem: 824
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000560325
  •  Đang online: 134
  •  Trong tuần: 11.684
  •  Trong tháng: 35.238
  •  Trong năm: 299.188