QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
Những thành tựu trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024 trên địa bàn huyện Lâm Hà In trang
01/07/2024 02:54 CH

Những thành tựu trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024 trên địa bàn huyện Lâm Hà

Huyện Lâm Hà có diện tích tự nhiên 93.027 ha, có 16 đơn vị hành chính (14 xã và 02 thị trấn), dân số khoảng 150.659 khẩu/37.656 hộ; là nơi hội tụ của dân cư cả nước đến sinh sông và làm lập nghiệp, có 30 dân tộc anh em sinh sống đan xen, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 36.861 người, chiếm tỷ lệ 24,4% dân số toàn huyện. Các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở 57 thôn của 11 xã, thị trấn (Đinh Văn, Đạ Đờn, Phi Tô, Phú Sơn, Tân Văn, Phúc Thọ, Tân Thanh, Liên Hà, Đan Phượng, Mê Linh, Tân Hà). Toàn huyện hiện có 14 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 19/6/2021 của Bộ trưởng, chủ nhiệm ủy Ban dân tộc và 8 xã  khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Đạ Đờn, Liên Hà, Phi Tô, Tân Văn, Phúc Thọ, Mê Linh, Đinh Văn, Tân Thanh).

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lâm Hà lần thứ IV năm 2024
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lâm Hà lần thứ IV năm 2024

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng và hệ thống chính trị. Trong 5 năm qua, thực hiện Quyết tâm thư và Chương trình hành động của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lâm Hà lần thứ III, năm 2019, công tác xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm, triển khai thực hiện và đạt được những thành tựu quan trọng. Trọng tâm là nhất quán chính sách “Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau cùng phát triển xây dựng quê hương Lâm Hà giàu, đẹp, văn minh” trên cơ sở nền tảng kế thừa truyền thống hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Kết quả thực hiện các nhiệm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng bào dân tộc thiểu số đã có ý thức vươn lên đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ đã biết áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng. Đời sống của đồng bào ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Hệ thống chính trị được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững và ổn định. 

Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lâm Hà lần thứ IV, năm 2024
Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lâm Hà lần thứ IV, năm 2024

Các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2019-2024, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển như: Chương trình 135; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,… đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn huyện. 
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các dự án đã và đang giải quyết các vấn đề cấp thiết dân sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới. Trong giai đoạn 2019-2024, UBND huyện đã triển khai thực hiện các chính sách, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, chú trọng đến các chỉ tiêu, nguồn lực cho công tác giảm nghèo, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ người dân. Giai đoạn 2019-2024, huyện đã chi trợ cấp tết Nguyên đán đầy đủ cho hộ nghèo, cận nghèo trong đó có hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo với kinh phí khoảng 6.886,6 triệu đồng; hỗ trợ cho 753 lượt hộ khó khăn với kinh phí 206,8 triệu đồng; hỗ trợ gạo thiếu đói cho 35 hộ. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người khuyết tật, hộ nghèo, người có công, trẻ em trên địa bàn huyện. Trong đó trợ cấp cho 31 lượt người có công là dân tộc thiểu số với kinh phí 1,7 tỷ đồng; cấp họ bổng, hỗ trợ cộng đồng cho khoảng 700 lượt trẻ em dân tộc thiểu số với kinh phí 1,7 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho 2.346 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn để giải quyết thiếu hụt nước sạch và vệ sinh với kinh phí khoảng 214.943 triệu đồng, trong đó chính sách tín dụng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện cho 5.598 lượt hộ dân tộc thiểu số vay vốn để phát triển sản xuất; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, trong đó có hộ dân tộc thiểu số nghèo với kinh phí 3,5 tỷ đồng. Công tác vận động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo hàng năm, từ năm 2019 đến 2023 đã hỗ trợ xây dựng 54 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo (41 căn cho hộ dân tộc thiểu số) với kinh phí 2.890 triệu đồng, sửa chữa 5 căn nhà với kinh phí 50 triệu đồng; hỗ trợ sinh kế cho 352 hộ với kinh phí 6.950,5 triệu đồng, trong đó có 262 hộ dân tộc thiểu số với kinh phí gần 5,4 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1,4%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,02%. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều chung toàn huyện là 6,11% tương đương 2.318 hộ, trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số là 16,17% tương đương 1.262 hộ, số hộ nghèo đa chiều là 869 hộ chiếm tỷ lệ 2,29% (trong đó hộ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số là 488 hộ chiếm tỷ lệ 6,24%), số hộ cận nghèo đa chiều là 1.449 hộ chiếm tỷ lệ 3,82%, trong đó hộ cần nghèo đa chiều dân tộc thiểu số là 776 hộ chiếm tỷ lệ 9,92%. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm 5,28% tương đương 2.067 hộ, trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số giảm 12,57% tương đương 958 hộ so với cuối năm 2021. Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực nông thôn (14 xã) đạt 59,7 triệu đồng, tăng 41% so với năm 2019. 
Thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách cho học sinh sinh viên người dân tộc thiểu số. Từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện chi trợ cấp cho khoảng 548 lượt học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số với kinh phí 1.995,884 triệu đồng. 
Thực hiện chính sách cho người có uy tín, hiện huyện Lâm Hà có 50 người có uy tín tại 50 thôn, Tổ dân phố. Người có uy tín với vai trò trách nhiệm của mình đã và đang là cầu nối, là cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương chính sách của nhà nước, chung tay xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Huyện đã thực hiện các chế độ thăm hỏi, tặng quà, tham quan, học tập kinh nghiệm cho người có uy tín kinh phí gần 400 triệu đồng. 
Bên cạnh đó, nhiều mô hình tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phát triển sinh kế, hỗ trợ xây dựng công trình, hỗ trợ khó khăn đột xuất được triển khai hiệu quả do Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong huyện đã phối hợp triển khai như: mô hình “dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trao phương tiện sinh kế; Đề án “xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh”, thành lập Tổ hợp tác phát triển kinh tế; đồng hành với phụ nữ biên cương, “Quỹ hỗ trợ nông dân”; Chợ nhân đạo, …và nhiều hoạt động đóng góp, chia sẻ của các đơn vị, tổ chức đã kịp thời hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, vươn lên, góp phần phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

Các đại biểu huyện Lâm Hà được Đại hội bầu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng năm 2024 ra mắt Đại hội
Các đại biểu huyện Lâm Hà được Đại hội bầu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng năm 2024 ra mắt Đại hội

Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để vận động, tuyên truyền và huy động sự vào cuộc tích cực của bà con. Tỷ lệ đồng thuận của người dân trong thực hiện các chủ trương lớn rất cao; nhận thức của bà con có nhiều đổi thay rõ rệt, nhiều hộ cũng chủ động tìm hướng đi phát triển kinh tế, không phụ thuộc, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 
Công tác giảm nghèo góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc; giúp người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực nhằm phát triển sản xuất, chủ động vươn lên, góp phần giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội tại địa phương.
Công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến, phát triển tích cực trên các cấp học. Tính đến nay, tổng số trường công đạt chuẩn quốc gia là 63 trường/74, chiếm tỷ lệ 85,13%, tăng 15 trường đạt chuẩn quốc gia so với năm 2019, trong đó có 35/41 trường nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực và nâng cao. Trong những năm qua, huyện đã triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Hiện nay, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể, nhiều em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn đã vượt khó vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập với danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Cùng với đó, huyện đã tổ chức được các lớp xóa mù chữ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân đặc biệt là đối với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành y tế cũng đã thực hiện tốt chủ trương đưa bác sĩ về tăng cường chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở, đảm bảo 16/16 xã, thị trấn có bác sĩ phục vụ thường xuyên, 100% thôn, tổ dân phố có cán bộ y tế cộng đồng và cộng tác viên dân số hoạt động. Công tác phòng chống dịch bệnh, hoạt động truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho người đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả tích cực; đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể, chất lượng sức khỏe người dân được nâng cao.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khu dân cư luôn có sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện. Đến cuối năm 2023, toàn  huyện có 94% hộ đạt gia đình văn hóa, 99% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; duy trì 100% xã, thị trấn được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 17 khu dân cư kiểm mẫu, 55 khu dân cư tiêu biểu. 
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao các địa phương. Đến nay huyện đã bố trí quy hoạch quỹ đất phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao; có 14/16 xã, thị trấn có nhà văn hóa, 165/170 thôn, tổ dân phố có nhà nhà sinh hoạt cộng đồng. 16/16 xã, thị trấn đều có các câu lạc bộ về thơ ca, đàn và hát dân ca, dưỡng sinh, thể dục thể thao, gia đình văn hóa, phòng, chống bạo lực gia đình, phụ nữ không sinh con thứ ba... 9 câu lạc bộ cồng chiêng, 2 câu lạc bộ hát then, 01 câu lạc bộ văn hóa dân gian dao đỏ, 01 câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc thái. Huyện đã tổ chức được các lớp truyền dạy cồng chiêng, truyền dạy hát Then đàn tính tại xã Phi Tô, Tân Thanh, tiếp tục mở lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Thái tại xã Tân Văn; bảo tồn và phát huy 01 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm tại thôn Đam Pao xã Đạ Đờn. Toàn huyện có 11 nghệ nhân là người dân tộc hiểu số được phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp bộ, cấp tỉnh. Giai đoạn 2019-2024 đã tổ chức trên 20 chương trình, liên hoan văn hóa, văn nghệ cấp huyện và trên 60 chương trình, liên hoan văn hóa, văn nghệ cấp xã, thị trấn thôn, tổ dân phố và cơ quan, đơn vị. Trong đó có các điểm nhấn như: tổ chức chương trình tái hiện lễ cưới đồng bào dân tộc K’ho, Tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI-huyện Lâm Hà năm 2023. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Hà được nâng lên, đặc biệt là người dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa, khu dân cư không có tệ nạn xã hội.
Trong xây dựng chính quyền, đoàn thể nhiệm kỳ 2016-2021 của huyện, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo các phòng ban cấp huyện chiếm tỷ lệ 7,14%; tỷ lệ viên chức người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo quản lý tại đơn vị sự nghiệp giáo dục chiếm tỷ lệ 2,78%; tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cấp xã chiếm 13,41%.
Xây dựng hệ thống chính trị và quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở ngày càng được củng cố và có những bước phát triển quan trọng, hiện nay 170/170 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có chi ủy, chi bộ, chất lượng sinh hoạt tốt, đúng theo quy định. Toàn huyện hiện có 457 đồng chí đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm tỉ lệ 10,1%; đảng viên tôn giáo 273 đồng chí, chiếm tỉ lệ 6,01%. Quan tâm thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh, xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt phong trào thi đua, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, quần chúng nhân dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc và chia rẽ nhân dân với Đảng. Nhiều con em các dân tộc thiểu số đã hăng hái tham gia xây dựng lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tại chỗ, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm tại địa phương. Điều đó thể hiện sự giác ngộ cách mạng, truyền thống yêu nước cũng như ý thức trách nhiệm về bảo vệ an ninh Tổ quốc của đồng bào thiểu số huyện Lâm Hà.
Những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chủ trương, chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng để huyện Lâm Hà hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Năm 2020 huyện Lâm Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lâm Hà lần thứ IV, năm 2024 với quyế tâm: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên tinh thần “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc và các chương trình, dự án được đầu tư; thực hiện kịp thời, hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải nằm trong kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng trên địa bàn toàn huyện. Phấn đấu đến năm 2029, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1%-1,5%/năm, trong đó tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 2%-3%/năm. Tăng cường củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện, nhất là cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển đảng viên tại chỗ, đảng viên là người dân tộc thiểu số. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, giải quyết tốt những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ ngay từ cơ sở, kiến quyết không để xảy ra các điểm nóng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, động cơ phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số nhằm “diễn biến hòa bình” gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 
Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà sẽ thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư và Chương trình hành động của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ IV năm 2024 đề ra, cũng như tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc để góp phần hiện thực thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2024-2029.

Bích Hằng - BDV

Lượt xem: 513
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000560071
  •  Đang online: 51
  •  Trong tuần: 11.430
  •  Trong tháng: 34.984
  •  Trong năm: 298.934