QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
Chuyên mục: HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 152 NĂM NGÀY SINH CỦA V.I.LÊNIN ( 22/4/1870-2/-4/ 2022) Sự vận dụng sáng tạo “Con đường cách mạng vô sản của Lênin” vào thực tiễn cách mạng ở Việt Nam In trang
31/03/2022 03:58 CH

Chuyên mụcHƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 152 NĂM NGÀY SINH CỦA V.I.LÊNIN ( 22/4/1870-2/-4/ 2022)

Sự vận dụng sáng tạo “Con đường cách mạng vô sản của Lênin” vào thực tiễn cách mạng ở Việt Nam

Nhân kỷ niệm 152 năm ngày sinh của V.I.Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, chúng ta cùng nhìn lại những công lao to lớn của Người, khẳng định sự kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Khái quát cuộc đời và công lao, cống hiến vĩ đại của Lênin đối với lịch sử thế giới hiện đại

Vladimir Ilych Lenin (V.I.Lênin) sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), ngày 21/4/1924, V.I.Lênin qua đời ở làng Gorki, gần Thủ đô Moskva. Thi hài Người được lưu giữ trong Lăng trên Quảng trường Đỏ, Moskva.

V.I.Lênin (1870 – 1924) - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ảnh: Tư liệu

Từ nhỏ V.I.Lênin đã bộc lộ là người có trí tuệ uyên bác, có nghị lực tự học rất cao; và là người sớm đón nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác và phương pháp cách mạng nhân dân.

Một trong những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với sự nghiệp phát triển của học thuyết Mác, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân là lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I.Lênin cho rằng “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân”, là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp công nhân, là một bộ phận ưu tú nhất, giác ngộ cách mạng nhất, mang bản chất của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho mục tiêu, lý tưởng, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là cách mạng vô sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản. Hình thức và tính chất đấu tranh của Đảng không chỉ đơn thuần là đấu tranh kinh tế, mà cơ bản hơn là đấu tranh chính trị.

V.I.Lênin nêu ra những nguyên tắc cơ bản về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân gồm: lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; là “trí tuệ, danh dự và lương tâm đối với quần chúng; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng; tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng và phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng; chủ nghĩa Quốc tế Vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng.

Để bảo đảm vai trò lãnh đạo và giữ vững bản chất công nhân của Đảng, V.I.Lênin cho rằng, Đảng phải quan tâm đến công tác thanh đảng vì đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng. Theo Người, mục đích thanh đảng là loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn khiêu khích, thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; công khai đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn. Thanh đảng nhằm vào đối tượng bè phái chống Đảng; những phần tử tuyên truyền quan điểm chống Đảng; những đảng viên gian giảo, quan liêu, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt; bọn tham ô, ăn cắp; bọn người lập ra hết ban này ban nọ mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào, tức là những đảng viên có phẩm chất đạo đức xấu và yếu kém về năng lực. V.I.Lênin cho rằng, việc thanh đảng cần được thực hiện dưới nhiều hình thức như: đăng ký lại đảng viên, động viên ra khỏi Đảng... Những kẻ đê tiện lẩn lút trong Đảng, hiếp đáp quần chúng thì cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết khai trừ ra khỏi Đảng, xử lý dứt điểm theo pháp luật tương xứng với tội lỗi đã gây ra.

Những luận điểm của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới là sự khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về Đảng Cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bôsêvích Nga và hàng loạt các Đảng Cộng sản sau này, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính Đảng Mác xít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.

Với tư cách là Lãnh tụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917, V.I.Lênin là người mác-xít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết. Dưới ngọn cờ của V.I.Lênin, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã... Tên tuổi vĩ đại của V.I.Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Chính V.I.Lênin là người đã làm cho chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực; lần đầu tiên trong lịch sử thế giới Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở ra con đường phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc đứng lên đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Với những di sản tư tưởng, lý luận để lại cho nhân loại tiến bộ, V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. Những tư tưởng, lý luận quý báu của Người đã, đang được Đảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sự vận dụng sáng tạo “Con đường cách mạng vô sản của Lênin” vào thực tiễn cách mạng ở Việt Nam

Tư tưởng của Lênin luôn là kim chỉ nam, mở ra những chân trời mới, soi đường cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Cuối thế kỷ XIX, nước Việt Nam từ chế độ phong kiến độc lập, trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến của thực dân Pháp. Nhân dân Việt Nam trở thành những con dân nô lệ, bị áp bức bóc lột nặng nề. Xã hội Việt Nam bị phân hóa sâu sắc, mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phong kiến tay sai ngày càng gay gắt. Nhiều phong trào đấu tranh nổ ra, với các hình thức, khuynh hướng khác nhau chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp và phong kiến tay. Nhưng tất cả đều thất bại, do khủng hoảng, bế tắc về đường lối và phương pháp cứu nước.

Khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Người đã gặp được “Sơ thảo lần thứ nhất về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin. Khi đọc “Sơ thảo luận cương” của V.I. Lênin, Người cảm động:“Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem những tư tưởng của V.I. Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là “cẩm nang thần kỳ” và Người tiếp thu, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 Đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách đại biểu Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours năm 1920.
(ảnh tư liệu)

Với đường lối đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam, ngay sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, tiếp đó là Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939). Trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh từng bước hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, khi xác định: "Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc" . Khi thời cơ cách mạng chín muồi, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. Nhờ sự chủ động, sáng tạo của của Đảng và các Đảng bộ địa phương, trong khoảng nửa tháng, Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi trên phạm vi cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cuộc đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới. Đó là đòn quyết định phá tung một mắt xích quan trọng, thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng của hệ thống thuộc địa; mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nó chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, do toàn dân nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-Lênin, có đường lối đúng đắn hoàn toàn có thể giành thắng lợi.Với những giá trị và tầm vóc to lớn đó, Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những "chiến công hiển hách và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc Việt Nam" trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã mở ra một thời đại mới, thời đại rực rỡ của lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau khi ra đời đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là phải đối mặt với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong tình thế cách mạng đó, Đảng lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, tích cực chuẩn bị mọi mặt chống lại sự trở lại xâm lược của thực dân Pháp. 

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối cách mạng đúng đắn, thực hiện chủ trương kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy được truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn thể dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là "lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới".

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, thế chân Pháp, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự để ngăn chặn phong trào cộng sản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Dương và Đông Nam Á. Đặc biệt, với các chiến lược chiến tranh tàn bạo như: “chiến tranh đặc biệt”, chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ đã đặt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trước những thử thách ngặt nghèo nhất.

Trước tình hình đó, Đảng đã lãnh đạo quân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Miền Bắc là hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nhằm mục đích cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên tinh thần đó, quân dân miền Bắc đã lao động quên mình, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”; đồng thời, đã anh dũng, kiên cường đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong khi đó, ở miền Nam, quân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Bằng những trận đánh, những chiến dịch lớn, quân dân miền Nam đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Đặc biệt, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV nêu rõ: Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX".

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Trong giai đoạn lịch sử này, trước những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, nhận thức được những bất cập của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, Đảng đã tổng kết sáng kiến của nhân dân, đổi mới từng phần trong nông nghiệp, công nghiệp và bước đầu đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội cũng như từng bước hình thành đường lối đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước,  đánh dấu bước ngoặt trên hành trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước.

Từ thập niên cuối của thế kỷ XX, trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ; chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế lâm vào thoái trào, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để thích ứng với sự phát triển của thời đại, Đảng đã lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện trên cơ sở nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Đảng xác định đổi mới toàn diện đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn; đặt đổi mới tư duy lên hàng đầu để mở đường và định hướng cho quá trình đổi mới; trong đó, đổi mới phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt cùng với phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; lấy sự ổn định chính trị - xã hội làm tiền đề và điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới và phát triển.

Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh và bài học kinh nghiệm được Đảng ta tổng kết sau 35 đổi mới phát triển đất nước (1986 - 2021), Đại hội XIII tiếp tục khẳng định sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. So với Đại hội XII, Văn kiện Đại hội XIII có bổ sung, phát triển thêm nhiều điểm mới. Trong các bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm (2016 - 2021), Văn kiện Đại hội XIII khẳng định cơ sở lý luận, tư tưởng của mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là “kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Trong quan điểm chỉ đạo của tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước, Văn kiện Đại hội XIII đưa ra quan điểm thứ nhất: “Kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đặc biệt, điểm mới trong mục tiêu phát triển đất nước được Đại hội XIII xác định “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, thể hiện nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.

Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục khẳng định bài học hàng đầu là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là minh chứng rõ ràng, dứt khoát phủ định những luận điệu chống đối, xuyên tạc. Văn kiện Đại hội hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Từ việc đánh giá những hạn chế “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao” đến tiếp tục xác định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những  biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là một điểm rất mới của Văn kiện Đại hội XIII, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sau 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; nhân dân có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, mở rộng và phát huy; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm; vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế...

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam gần 92 năm qua đã khẳng định, Đảng ta luôn trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen; Đảng và nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cơ sở luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; coi đây là biểu hiện sinh động nhất của sự kiên định vận dụng sáng tạo quan điểm thống nhất trong nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản.  

Trung thành, kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định Đảng và Nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, vì mục tiêu cao cả“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

                                                           Bích Hằng-BDV

Lượt xem: 638
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000323526
  •  Đang online: 4
  •  Trong tuần: 972
  •  Trong tháng: 14.530
  •  Trong năm: 62.389