QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
Nhận thức rõ và khẳng định ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong tình hình mới In trang
15/03/2024 04:01 CH

Nhận thức rõ và khẳng định ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong tình hình mới

Lần đầu tiên, một kỳ đại hội của Đảng đã đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào Văn kiện đại hội. Trong Nghị quyết Đại hội XIII, nội dung và nhận thức về công tác dân vận được đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, với nhiều điểm mới nổi bật: khẳng định sâu sắc hơn tầm quan trọng và yêu cầu cao hơn về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; về vai trò của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng; Đảng xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ là: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”. Để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, Đảng nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.

Hình ảnh: các cá nhân được khen thưởng trong Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023 huyện Lâm Hà
Hình ảnh: các cá nhân được khen thưởng trong Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023 huyện Lâm Hà

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận”, là một trong những giải pháp quan trọng để củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. 
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Trung ương đề xuất và phát động vào những năm cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, được các cấp ủy đảng quan tâm thực hiện và được hệ thống dân vận các cấp triển khai thực hiện khá hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng tới cả hệ thống chính trị; với nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực, đã tạo ra hàng nghìn điển hình tiên tiến mỗi năm, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ quan, địa phương, đơn vị. Từ năm 2013, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã chính thức đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành nhiệm vụ, giải pháp để các cấp ủy đảng lãnh đạo và hệ thống chính trị tổ chức thực hiện.
Cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Huyện ủy Lâm Hà đã quan tâm ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị triển khai thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, như ban hành Quyết định số 605-QĐ/HU, ngày 05/11/2021 về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện Lâm Hà, Công văn số 488-CV/HU, ngày 23/12/2022 về triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 -2025. Chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy ban hành văn bản, hướng dẫn cụ thể về quy trình, các bước triển khai đăng ký xây dựng mô hình và việc thẩm định, công nhận các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Theo đó, trong thời gian qua, công tác dân vận được đẩy mạnh và ngày càng có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. 
Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị, được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào thi đua "Dân vận khéo" được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Ban Dân vận Huyện ủy ủy đã tích cực, chủ động phối hợp tốt với các cơ quan báo, đài tại địa phương thực hiện việc phát hiện, giới thiệu các tập thể, cá nhân, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để biểu dương, nhân rộng, lan tỏa những việc làm mới, cách làm hay. Năm 2023, toàn huyện có 44 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, Huyện ủy đã công nhận 42 mô hình, UBND huyện đã khen thưởng 3 tập thể 04 cá nhân, UBND tỉnh khen thưởng 01 mô hình tiêu biểu. Qua triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” đã huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chăm lo đời sống của nhân dân ở địa phương.
Điển hình là phong trào “Dân vận khéo” và việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế ở các địa phương. Thông qua việc triển khai xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã huy động các nguồn lực xã hội được trên 4,3 tỷ đồng thực hiện các phần việc thiết thực, tập trung chăm lo cho hộ nghèo, hộ khó khăn, trẻ em mồ côi, học sinh nghèo vượt khó, vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, xây dựng, sửa chữa các công trình giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn ...Phong trào “Dân vận khéo” đã tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa bức thiết của địa phương, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương, tạo ra hướng phát triển tích cực ở cơ sở. 
Các mô hình “Dân vận khéo” đang góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Lâm Hà. Qua phong trào, đội ngũ cán bộ có trách nhiệm hơn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; phong cách làm việc có chuyển biến theo hướng sâu sát cơ sở, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Thông qua các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” góp phần khơi dậy, huy động sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân; củng cố mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; làm cơ sở để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, làm cho công tác dân vận ngày càng sinh động và hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm về cả nhận thức, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, nội dung và phương pháp tiến hành. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo; sự suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên; sự nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”… đang là trở ngại đối với công tác dân vận.
Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Lâm Hà đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, nội dung của việc triển khai, thực hiện phong trào “Dân vận khéo”. Coi đây là một giải pháp quan trọng để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Trong quá trình triển khai phong trào phải có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị theo phương châm “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu và làm nòng cốt”.
Phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức thiết đến đời sống nhân dân, phù hợp với tình tình, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm thiết thực góp phần thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, giải quyết những khó khăn, bức xúc của Nhân dân.
Phải tập trung chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trên cơ sở thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là gốc của công việc”, “cán bộ nào phong trào đấy”, “cán bộ tốt việc gì cũng xong”.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi để điều chỉnh phương pháp, nội dung phong trào cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thức tế. Định kỳ phải tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng để khích lệ, động viên, đưa phong trào ngày càng phát triển.
Thời gian tới, việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác dân vận, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận và phong trào thi đua xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”. Mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị là một cán bộ làm công tác dân vận tích cực, hiệu quả; thực hiện phong cách“Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; kịp thời nắm và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động hướng mạnh về cơ sở, gần dân, sát dân. Tập trung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân đồng thuận triển khai các công trình trọng điểm, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; phong trào “Ngày chủ nhật vì công đồng” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động sự tham gia của nhân dân thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương, cơ quan, đơn vị; vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Lực lượng vũ trang tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lồng ghép tuyên truyền Luật dự bị động viên, Luật Dân quân tự vệ, luật nghĩa vụ Quân sự...; tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình “Đơn vị dân vận tốt”; mô hình “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đăng kí và xét “An toàn về an ninh, trật tự”...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào và thông tin các gương điển hình “Dân vận khéo” đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để động viên, cổ vũ phong trào; tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị. Các điển hình “Dân vận khéo” được tuyên dương tiếp tục phát huy tốt hơn, nâng chất lượng mô hình để lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội.
Công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần thực hiện hài hòa từ hai chiều, lắng nghe ý kiến phản hồi, đối thoại từ người dân; tiếp thu sáng kiến từ cơ sở, nhất là những sáng kiến trong triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” để người dân thấy được quyền lợi gắn với trách nhiệm của mình, từ đó chủ động, tích cực tham gia thực hiện phong trào. 
Việc lựa chọn nội dung, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải phù hợp với nhiệm vụ, tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính
Có thể khẳng định rằng, việc Đại hội XIII của Đảng bổ sung khá phong phú, toàn diện nhận thức mới, nội dung mới về công tác dân vận của Đảng là hết sức đúng đắn, sâu sắc, phù hợp. Điều đó đã và đang được khẳng định trong thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những nhận thức mới về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy cao độ nguồn lực, sức mạnh của nhân dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, tiếp tục xây dựng đất nước phát triển, xã hội phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

                                    Bích Hằng - BDV
 

Lượt xem: 2.869
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000560964
  •  Đang online: 56
  •  Trong tuần: 12.323
  •  Trong tháng: 35.877
  •  Trong năm: 299.827