NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HUYỆN LÂM HÀ LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NGHÈO VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, sau 20 năm các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Lâm Hà.
Quá trình triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được các cấp, các ngành, địa phương cơ sở chỉ đạo triển khai hiệu quả, huy động được các nguồn lực xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Phương thức cho vay chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đặc biệt thực hiện mô hình tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm bộ máy điều hành tác nghiệp được bố trí theo 3 cấp từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện. Với mô hình này, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ. Ở địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện bao gồm bộ máy quản trị là Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và bộ máy điều hành tác nghiệp là phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Ngoài ra, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy vai trò là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ.
Với phương châm phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở, Ủy ban nhân dân huyện và ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Hà đã chỉ đạo thành lập 16 điểm giao dịch tại 16 xã, thị trấn. Đến nay, có 292 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 441.313 triệu đồng/11.232 hộ vay, bình quân mỗi tổ tổ tiết kiệm và vay vốn có 39 hộ vay vốn, với dư nợ bình quân 1.511 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng tập trung huy động được nhiều nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Hà đạt 443.421 triệu đồng, tăng 429.913 triệu đồng so với thời điểm phòng giao dịch mới thành lập.
Khi mới thành lập, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhận bàn giao chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, chương trình cho vay hộ nghèo nhận từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với dư nợ 13.464 triệu đồng (từ Kho bạc 2.103 triệu, Ngân hàng 11.361 triệu đồng). Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay từ khi thành lập đến nay là 1.270.416 triệu đồng, với 64.441 lượt khách hàng được vay vốn.
Nhờ thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, đã tác động tích cực trong việc chuyển biến nhận thức, nếp nghĩ, cách làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả này đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả xã hội tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Qua 20 năm đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, được sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Hà đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Chặng đường 20 năm qua, mỗi cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Hà đã nỗ lực kết nối và đưa các chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vững tin trên con đường vượt khó, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nên những “tế bào” của xã hội vững mạnh. Nguồn vốn vay được tiếp cận đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đó chính là niềm vui và động lực để tiếp sức cho những người làm công tác tín dụng chính sách của huyện Lâm Hà trên chặng đường lan tỏa những giá trị nhân văn của Đảng, Nhà Nước đến với từng người dân, nỗ lực góp sức cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Hồng Toan - BTG