QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
LÂM HÀ KHỞI SẮC SAU HƠN 10 NĂM XÂY DỰNG  NÔNG THÔN MỚI In trang
18/05/2022 03:29 CH

LÂM HÀ KHỞI SẮC SAU HƠN 10 NĂM XÂY DỰNG 
NÔNG THÔN MỚI

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Lâm Hà đã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội có sự chuyển biến tích cực, mọi mặt đời sống của người dân đã được nâng lên, cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều đổi mới, khang trang, sạch đẹp. 

 
Diện mạo nông thôn mới đã có nhiều khởi sắc ở Lâm Hà

Huyện Lâm Hà có diện tích tự nhiên 93.023 ha, dân số hiện nay gần 39.000 hộ với hơn 145.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,3%. Hơn 10 năm trước, khi bước vào triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Lâm Hà có điểm xuất phát thấp và gặp nhiều khó khăn: địa bàn rộng, địa hình đồi núi, chia cắt; nhiều khu vực dân cư không tập trung; hạ tầng nông thôn trên địa bàn còn thiếu đồng bộ; trình độ dân trí không đồng đều; thu nhập chính của người dân nông thôn trong huyện dựa vào nông nghiệp là chủ yếu... Đặc biệt, khi đi vào triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương, cơ sở còn lúng túng và một bộ phận nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lao động, việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Trong thời gian qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc, cùng với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện và cấp xã ra sức khắc phục những khó khăn, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức lập, quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới. Chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội nâng cao đời sống nhân dân. Tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội theo tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt là phòng trào “Cùng cả nước – Lâm Hà chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo sức lan tỏa lớn, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống xã hội. 

Bà con nhân dân góp công xây dựng đường giao thông nông thôn ở Lâm Hà

Tổng kinh phí huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lâm Hà giai đoạn 2010 - 2020 gần 5.000 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp được hơn 261 tỷ đồng, trên 88.600 ngày công lao động, hiến trên 15.000 m2 đất để xây dựng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng, tu sửa nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình phúc lợi xã hội khác. Việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, không có tình trạng huy động quá sức dân. Huyện cũng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Lâm Hà đã có sự chuyển biến rõ rệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong hơn 10 năm qua khá ổn định, bình quân đạt 9 - 10%/năm; năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 19,71 triệu đồng/người/năm, đến năm 2021 đạt 48,94 triệu đồng/người/năm. Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,09% (năm 2010) xuống còn 1,06% (năm 2021). Kết cấu hạ tầng thiết yếu được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đến năm 2020, có 09 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 77,2km đã được nhựa hoá 100%, đảm bảo cho các phương tiện đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn huyện. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các khu dân cư nông thôn mới ngày càng khởi sắc, tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho huyện Lâm Hà. Đạt được những kết quả trên là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà.

 

Những căn nhà khang trang của người dân Lâm Hà hiện nay

Lâm Hà hôm nay, đã khác xa so với 10 năm trước, những con đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa bằng phẳng sạch sẽ; những căn nhà ở cao tầng của người dân không ngừng được mọc lên; trẻ em đi học dưới những mái trường khang trang sạch đẹp; cảnh quan môi trường, khu dân cư đều được chỉnh trang đảm bảo xanh, sạch, đẹp; mọi mặt đời sống của người dân không ngừng được nâng lên... 
Huyện Lâm Hà đã đạt chuẩn 9/9 tiêu chí, trong đó có một số tiêu chí vượt so với yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia. Hiện nay, đã hoàn thiện hồ sơ và đang chờ để được công nhận huyện nông thôn mới. Đây là kỳ vọng lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà và là động lực để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí của huyện nông thôn mới trong thời gian tới.

        Hồng Toan 
 

Lượt xem: 1.562
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000563224
  •  Đang online: 15
  •  Trong tuần: 15
  •  Trong tháng: 38.137
  •  Trong năm: 302.087