QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
MTTQ thị trấn Nam Ban: Thực hiện tốt quyền làm chủ, giám sát và phản biện xã hội In trang
24/06/2019 12:00 SA

Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà đã tập trung triển khai tốt nhiệm vụ vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ðồng thời, tích cực tham gia giám sát và phản biện, góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.

Nam Ban từng bước đổi thay. Ảnh: N.Thu
Nam Ban từng bước đổi thay. Ảnh: N.Thu

Được biết, trong vòng 6 năm qua (2013-2019), Ủy ban MTTQ thị trấn đã tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thị trấn, góp phần vào thành công chung của huyện. Vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và từ năm 2016 đến nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó, đóng góp tiền của, ngày công lao động tham gia xây dựng đô thị văn minh, từ năm 2013 đến nay được 5,957 tỷ đồng, 6.091 ngày công, hiến 3.800 m2 đất, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được 399 triệu đồng. Giám sát chính quyền trong việc công khai các nội dung theo quy định; phối hợp với các đoàn thể từ thị trấn đến Ban công tác Mặt trận và chi hội đoàn thể khu dân cư tổ chức 147 cuộc họp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 52 cuộc họp bầu Tổ trưởng tổ dân phố; bầu 47 thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; 63 cuộc họp vận động Nhân dân thực hiện xây dựng đô thị văn minh, xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 75 vụ việc, phát hiện, kiến nghị thu hồi 17.500.000 đồng; giám sát 30 công trình xây dựng trên địa bàn. 
 
Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban MTTQ thị trấn Nam Ban thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218 của Bộ Chính trị. Ủy ban MTTQ thị trấn đã nhận được sự quan tâm, hướng dẫn cụ thể bằng các văn bản, kế hoạch của MTTQ Việt Nam huyện; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy thị trấn; sự phối hợp của chính quyền, các đoàn thể cùng cấp. Đây là việc làm mới, gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu thực hiện nên Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thị trấn chủ yếu tập trung chỉ đạo các hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tham gia giám sát, góp ý qua nghiên cứu các văn bản, dự thảo văn bản gửi đến Mặt trận. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 của Trung ương MTTQ Việt Nam và hướng dẫn quy trình tổ chức giám sát của MTTQ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện hướng dẫn xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập đoàn giám sát, MTTQ thị trấn Nam Ban đã thành lập và triển khai thực hiện giám sát theo đoàn được 2 cuộc về kinh phí hoạt động của khu dân cư, giám sát về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn. 
 
Ðặc biệt, năm 2018 đơn vị được tỉnh lựa chọn làm điểm giám sát liên thông 3 cấp về thực hiện quy định của pháp luật đối với một số dự án du lịch sinh thái kết hợp quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thị trấn. 
 
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong Nhân dân.
 
Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Đinh Xuân Hội cũng nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, hạn chế. Đó là: Đối với nội dung phản biện xã hội, MTTQ thị trấn thực hiện còn bị động, chưa thống nhất được các nội dung tham gia phản biện trong kế hoạch thực hiện giám sát và phản biện xã hội hàng năm, chủ yếu chỉ thực hiện khi chính quyền gửi dự thảo đến MTTQ và các đoàn thể tổ chức lấy ý kiến. Chất lượng hoạt động giám sát chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhận thức, nghiên cứu văn bản, phân tích, đánh giá thông tin của cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế. Cấp ủy và chính quyền cùng cấp chưa chủ động chủ trì, phối hợp với MTTQ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với Nhân dân định kỳ mỗi năm một lần theo quy định. Việc tiếp thu, giải quyết những nội dung kiến nghị sau giám sát của MTTQ cũng chưa thực sự được chính quyền các cấp quan tâm, mới chỉ giải quyết một số nội dung kiến nghị... 
 
Những hạn chế tồn tại chủ yếu do trình độ hiểu biết, nhận thức của cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin, văn bản phục vụ hoạt động giám sát, phản biện cũng khó khăn.
 
Chủ tịch MTTQ thị trấn Đinh Xuân Hội đề nghị: Trong thời gian tới, để MTTQ và các đoàn thể chính trị thực sự phát huy vai trò, vị trí của mình, đề nghị các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ban, ngành quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể thực hiện nhiệm vụ giám sát và tham gia góp ý. Đồng thời nghiêm túc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của các đoàn giám sát. Qua đó, kịp thời điều chỉnh những thiếu sót, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Nhân dân.       
  
NGUYỆT THU - baolamdong.vn

Lượt xem: 1.208
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000562551
  •  Đang online: 26
  •  Trong tuần: 13.910
  •  Trong tháng: 37.464
  •  Trong năm: 301.414