QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
Kinh tế Lâm Hà có xứng với tiềm năng phát triển? In trang
11/12/2018 12:00 SA

Theo thống kê, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) của huyện Lâm Hà năm 2018 ước đạt  10.529 tỷ đồng, đạt 100,6% KH, tăng 8,4% so cùng kỳ. Và mặc dù một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng khá, song mức tăng trưởng trên các lĩnh vực không đồng đều cho thấy sự phát triển kinh tế của huyện chưa tương xứng với tiềm năng địa phương nắm giữ.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm việc về tình hình phát triển KT - XH huyện Lâm Hà
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm việc về tình hình phát triển KT - XH huyện Lâm Hà

Tỷ trọng nông nghiệp còn cao  
 
Ông Vũ Bá Yêu, Phó Trưởng Phòng NNPTNT  huyện cho biết: “Những năm qua, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Đổi mới phương thức hỗ trợ nông dân và xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ nông sản. Các địa phương đã chủ động thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững, như: tái canh cà phê, trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao,… đạt hiệu quả, góp phần thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện”. 
 
Qua đó, trong năm 2018, duy trì ổn định và tập trung thâm canh diện tích cà phê hiện có  với khoảng 40.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha và duy trì diện tích cây chè 272 ha, năng suất bình quân đạt trên 130 tạ/ha. Qua đó, thực hiện tái canh, trồng mới và ghép cải tạo cây cà phê trên diện tích hơn 1.100 ha, đạt trên 117%; trong đó, ghép cải tạo cà phê đạt 675 ha, trồng tái canh cà phê đạt 482,5 ha. Một số diện tích cây trồng tăng đột biến như: Cây dâu đạt gần 700 ha /170 ha kế hoạch; cây ăn quả đạt 182 ha/50 ha kế hoạch; cây mắc ca 439,7 ha/370 ha kế hoạch. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của huyện đạt khoảng 11.200 ha, chiếm 23,5% diện tích đất canh tác, tăng 1.200 ha so với cuối năm 2017. Trong đó, rau, hoa ước đạt 255 ha, tăng thêm 20 ha so với cùng kỳ. Các mô hình trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so các loại cây trồng khác, doanh thu đạt 500 - 800 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó,  ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định. 
 
Trong định hướng phát triển kinh tế, huyện Lâm Hà vẫn khẳng định cơ cấu kinh tế của huyện chiếm tỷ trọng cao là khu vực nông nghiệp. 
 
Vì vậy, nền kinh tế huyện tuy có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ nhưng sản xuất nông nghiệp của Lâm Hà vẫn giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế. Ông Lê Vinh Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Lâm Hà cho biết, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) toàn huyện năm 2018 ước đạt 10.529 tỷ đồng, đạt 100,6% KH, tăng 8,4% so cùng kỳ. Trong đó, 3 lĩnh vực đều tăng trưởng, tuy nhiên lại không có sự đồng đều. Cụ thể,  khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 5.125 tỷ đồng, tăng 5,9%;  khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 2.153,8 tỷ đồng, tăng 9,4% và khu vực thương mại - dịch vụ đạt 3.249,8 tỷ đồng, tăng 11,9%. Theo đó, cơ cấu kinh tế hiện tại của huyện theo giá thực tế, khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 44,88%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,81%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 35,31%. 
 
Nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhưng tăng trưởng lại thấp hơn các ngành khác. Trong khi đó doanh thu một số ngành dịch vụ khá cao, nhất là ngành vận tải. Đơn cử như vận tải hàng hóa đạt 180.760 triệu đồng, tăng 16%; doanh thu vận tải hành khách đạt 148.330 triệu đồng, giảm 1,2% so cùng kỳ.
 
Tuy mạng lưới thương mại phát triển về bề rộng nhưng thiếu chiều sâu, các cơ sở kinh doanh thương mại năng lực cạnh tranh thấp. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn hạn chế, đầu tư chợ nông thôn gặp nhiều khó khăn, còn nhiều bất cập. Các chợ không còn phù hợp với yêu cầu thực tế, quy mô nhỏ, đã xuống cấp. Bên cạnh đó, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giá trị cao như cà phê tinh, sản phẩm từ tơ tằm, sản phẩm từ chè, chuối laba, rau củ quả các loại vẫn chưa thật sự khởi sắc đã làm cho kinh tế của Lâm Hà vốn phụ thuộc vào nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
 
Làm việc tại huyện Lâm Hà về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Lâm Hà là một trong những địa bàn đi đầu, mạnh mẽ trong chuyển đổi giống cây trồng. Tuy nhiên, dường như Lâm Hà hiện chỉ phát triển dựa vào nông nghiệp, còn công nghiệp, dịch vụ, du lịch của địa phương hiện chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng về đất đai, con người… Nền kinh tế nếu chỉ dựa vào nông nghiệp thì chỉ ổn định và thoát nghèo, còn làm giàu thì khó. 
 
Tìm cách tháo gỡ khó khăn
 
Để giảm thiểu sự phụ thuộc nền kinh tế vào nông nghiệp, đồng thời tạo ra những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư là một trong những hướng đi mà địa phương cần hướng tới. 
 
Trên 70% thu nhập của người dân Lâm Hà đến từ khu vực  nông nghiệp mang lại. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định: Thu hút đầu tư là vấn đề cốt lõi để nền kinh tế Lâm Hà thật sự phát triển và xứng đáng với tiềm năng của mình. 
 
Tuy nhiên, tổng số dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện mới chỉ có 53 dự án với tổng mức đầu tư 2.760,21 tỷ đồng. Trong đó: 26 dự án đã hoàn thành toàn bộ và đi vào hoạt động ổn định, 14 dự án đang triển khai xây dựng, 13 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. 
 
Nguyên nhân thu hút đầu tư còn hạn chế, các dự án chậm triển khai được xác định là do hệ thống hạ tầng vẫn còn hạn chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, đặc biệt là về đất đai… Điển hình như Dự án Khu Du lịch thác Voi, đây là dự án mà lãnh đạo huyện Lâm Hà kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ của huyện phát triển;  nhưng sau hơn 7 năm đầu tư, chủ đầu tư mới đầu tư một phần nhỏ, còn lại vẫn chưa được triển khai theo giấy chứng nhận đầu tư. 
 
Mặt khác, công nghiệp, thương mại - dịch vụ ở Lâm Hà chỉ phát triển những vùng trung tâm như: Thị trấn Đinh Văn, thị trấn Nam Ban, xã Tân Hà; còn lại các xã vùng khó khăn như Tân Thanh, Đan Phượng, Mê Linh… dường như không phát triển. Ông Trần Quang Thân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh chia sẻ, là xã vùng sâu vùng xa của huyện, thương mại - dịch vụ gần như không phát triển, kinh tế chủ yếu dựa vào cây cà phê, những năm gần đây tình hình dịch bệnh cộng với giá cà phê xuống thấp đã làm cho đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Lâm Hà đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Lâm Hà đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho hay: Bên cạnh tập trung phát triển nông nghiệp - một trong những thế mạnh của địa phương, huyện  còn khuyến khích phát triển ngành   công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến dựa vào nguyên liệu tại chỗ ở địa phương. Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình thương mại và phát triển thị trường nông thôn; khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ và mở rộng hạ tầng thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện theo quy hoạch... 
 
Cũng theo ông Nguyễn Đức Tài, muốn kinh tế địa phương phát triển phải đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương. Chẳng hạn, hiện nay, huyện Lâm Hà có 8 doanh nghiệp trồng trọt (trong đó có 4 doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài; 4 doanh nghiệp trong nước). Các doanh nghiệp trồng trọt chủ yếu sản xuất chè chất lượng cao; hạt giống rau, hoa; sản xuất rau, hoa trong nhà kính; rau, hoa khác và cà phê. Nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc như: Tập đoàn Tài chính Bejo đầu tư dự án sản xuất giống rau lớn nhất Đông Nam Á trên địa bàn huyện, với kinh phí 9,5 triệu Euro, mục tiêu sản xuất giống rau để xuất khẩu; Công ty Bò sữa Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Long Đỉnh... đã và đang đi vào hoạt động mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án trọng điểm. Cụ thể, Dự án Khu đô thị mới - Trung tâm Thương mại Đinh Văn đang triển khai thi công các hạng mục và giá trị khối lượng thực hiện đến nay ước đạt khoảng 60%, tương đương 180 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018. Riêng đối với Dự án chợ Tân Hà, chợ Nam Ban, UBND huyện Lâm Hà đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai, do đó dự án không có tiến triển so với năm 2017. 
 
Có thể thấy rằng, thực hiện tốt chủ trương và kêu gọi được các nhà đầu tư sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Lâm Hà, qua đó nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của huyện trong thời gian tới.
 
Để thu hút vốn đầu tư khai thác được tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Lâm Hà cần tập trung nhiều giải pháp để xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông; đa dạng hóa các lĩnh vực, ngành nghề nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp đến với địa phương; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế của huyện. 
 
HOÀNG YÊN - NGỌC NGÀ - baolamdong.vn

Lượt xem: 1.559
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000561367
  •  Đang online: 37
  •  Trong tuần: 12.726
  •  Trong tháng: 36.280
  •  Trong năm: 300.230