Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư (Khoá XII) “về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” trên địa bàn huyện Lâm Hà
-----
Trong suốt quá trình cách mạng, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác Phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Ðảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, trong những năm qua, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của huyện nhà đã đạt được những kết quả tích cực. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ còn có những mặt hạn chế, đồng thời lại có những vấn đề mới đặt ra với nhiều thách thức. Do trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp còn thấp, phụ nữ bị hạn chế hơn nam giới về cơ hội có việc làm và thu nhập. Trong doanh nghiệp việc làm của lao động nữ thiếu ổn định, điều kiện lao động, điều kiện sống không được bảo đảm, phụ nữ nông thôn thiếu việc làm, vùng ĐBDTTS, vùng sâu, tỷ lệ phụ nữ nghèo còn nhiều, còn bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán lạc hậu. Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức.
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Đảng ta đã tổng kết, đánh giá và tiếp tục quan tâm sâu sắc đến công tác phụ nữ. Từ đó, Ban Bí thư (Khoá XII) đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW “về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”. Sau 05 năm triển khai thực hiện ở địa bàn Lâm Hà, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, công tác phụ nữ có nhiều chuyển biến tích cực; tổ chức Hội Phụ nữ các cấp được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng và số lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thể hiện vai trò nòng cốt trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ. Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đến nay, toàn huyện có 17 cơ sở Hội (16 Hội LHPN xã, thị trấn và Hội Phụ nữ Công an huyện), 171 chi hội, tổng số hội viên 19.681, trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số 3.534 chị, tôn giáo 6.963 chị, hội viên nòng cốt 4.690 chị. Lực lượng lao động nữ chiếm trên 50%, trong đó, nữ CBCNVC có 2.452 chị chiếm 60% trên tổng số cán bộ CBCNVC của toàn huyện, chị em tham gia hầu hết ở các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Các cấp hội phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cùng cấp; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, đa dạng hoá hình thức tập hợp phụ nữ, hướng về cơ sở theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội” nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Chính quyền luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” của huyện trong triển khai, tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình, kế hoạch về sự tiến bộ của phụ nữ và công tác phụ nữ. Các hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Hội LHPN huyện được triển khai nghiêm túc, quy trình thực hiện được cụ thể hóa bằng các tài liệu tập huấn bước đầu đã phát huy được vai trò, vị trí của các cấp Hội, quyền làm chủ của các tầng lớp phụ nữ. Các nội dung giám sát, phản biện xã hội được các cấp Hội lựa chọn cơ bản phù hợp với nhu cầu và những vấn đề quan tâm của hội viên, phụ nữ; các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hơn 60 cuộc giám sát chuyên đề về các nội dung như: Công tác giới thiệu cán bộ nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đảm bảo theo luật định; môi trường, thu gom rác thải; pháp luật lao động; việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, nhiệm kỳ 2021 - 2026; công tác phòng chống bạo lực gia đình; tham gia đóng góp trên 85 ý kiến vào Bộ Luật lao động (sửa đổi), các Dự thảo chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình …đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành tiếp thu.
Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, vai trò của Hội LHPN trong tham gia phản biện xã hội cũng đạt kết quả quan trọng, cán bộ Hội các cấp phát huy tích cực vai trò tham gia trong cấp ủy, vai trò là thành viên của Ủy ban MTTQ các cấp tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến và phản biện xã hội đối với dự thảo Luật, Nghị quyết, Chương trình hành động của cấp ủy và chính quyền địa phương, các văn bản có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ; thực hiện tốt các chính sách cơ bản phát triển gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Trung ương và Tỉnh Hội phát động như “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “5 có, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Giúp phụ nữ nghèo là chủ hộ”, “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”...Qua đó, nhiều phụ nữ có được việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Lâm Đồng tự trọng rèn đức, tự tin luyện tài, trung hậu, đảm đang, xây dựng gia đình hạnh phúc”, với phương châm “Chủ động hướng về cơ sở vì nhu cầu phát triển của phụ nữ và sự vững mạnh của tổ chức Hội”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN cơ sở xây dựng và duy trì ít nhất 01 mô hình thực hiện cuộc vận động. Các cấp đã đã xây dựng và duy trì 23 mô hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với 593 thành viên; 05 mô hình “Vun đắp những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”, với 142 thành viên.
Phong trào phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế được Hội LHPN huyện triển khai thực hiện thông qua Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” giai đoạn 2017 - 2025 và một số nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trọng tâm, đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo được niềm tin, sự hứng khởi trong hoạt động Hội, hỗ trợ, giúp đỡ chị em phụ nữ phát triển kinh tế, thu nhập ổn định và làm giàu. Từ nhu cầu thực tế của hội viên, Hội đã có sự hỗ trợ phù hợp triển khai các hoạt động trọng tâm thực hiện kế hoạch “Ngày phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”, thúc đẩy, cổ vũ phụ nữ hăng hái thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình. Tổ chức tuyên truyền thông qua tài liệu hướng dẫn, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, tham gia hội thảo “Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm”; thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, các cấp Hội đã có nhiều hình thức triển khai phong trào như: Tích cực khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, từng bước giảm nghèo tại địa phương; tuyên truyền, giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả; xây dựng được 23 mô hình do phụ nữ tham gia làm quản lý, hoạt động có hiệu quả (19 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, 02 tổ hợp tác trồng rau hoa công nghệ cao, 01 tổ hợp tác trồng rau sạch, 01 tổ hợp tác đan nong né), với tổng số thành viên tham gia là 375 chị. Thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ vươn lên, ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội, đã giúp 1.552 hộ thoát nghèo, trong đó có 753 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, 487 hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021-2025: Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Dự án 8 năm 2022, 2023; tổ chức 07 lớp tập huấn và ra mắt: 14 tổ truyền thông cộng đồng; 03 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 03 Trường THCS tại Tân Thanh, Phú Sơn, Đạ Đờn; 02 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Tân Thanh và xã Mê Linh; phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thực hiện 01 phóng sự tuyên truyền về Dự án 8 trên địa bàn huyện.
Mô hình làm kinh tế của Hội viên Hội phụ nữ huyện Lâm Hà
Phụ nữ huyện thể hiện tài năng, đóng góp một phần quan trọng trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, xã văn hóa. Tích cực tuyên truyền vận động người thân và gia đình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương; môn bóng đá, bóng chuyền nữ, câu lạc bộ chèo, dân ca phát triển mạnh ở các xã, thị trấn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH “Tự tin - Tự trọng- Trung hậu - Đảm đang”.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Hội LHPN huyện đã triển khai sâu rộng, cụ thể hóa thành phong trào thi đua sôi nổi ở địa phương, lồng ghép linh hoạt và sáng tạo với Cuộc vận động phụ nữ Lâm Đồng “Tự trọng rèn đức - Tự tin luyện tài - Trung hậu đảm đang - xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Hàng năm, các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch và tổ chức cho các chi hội, hội viên đăng ký thực hiện với những nội dung, tiêu chuẩn, giải pháp cụ thể phù hợp với từng loại hình chi hội và đối tượng hội viên, phụ nữ. Đối với nữ CNVCLĐ, phụ nữ Công an, tiêu chuẩn thi đua được gắn với nội dung các phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”,“Phụ nữ Công an học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tất cả vì sự bình yên của nhân dân, xây dựng gia đình hạnh phúc”; đã giới thiệu được 105 tập thể điển hình và 235 cá nhân điển hình. Nhiều tập thể, cá nhân nữ tiêu biểu trong công tác, lao động, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được biểu dương khen thưởng...
Các phong trào thi đua, các chương trình và các cuộc vận động của hội và của địa phương, được triển khai đến 100% cơ sở, được cán bộ, hội viên, phụ nữ hưởng ứng tích cực như: Phát động vận động “Hỗ trợ mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số” với số tiền hơn 800 triệu đồng, hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng 19 nhà “Mái ấm tình thương”. Hội LHPN huyện đã phát động chương trình “Chung tay ủng hộ phương tiện sinh kế cho phụ nữ khó khăn trên địa bàn huyện Lâm Hà”. Các cấp Hội đã trao tặng 61 phương tiện sinh kế cho 61 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 16 xã, thị trấn, tổng trị giá 158.200.000 đồng.
Công tác cán bộ nữ được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện khá tốt, có hiệu quả. Công tác quy hoạch cán bộ nữ thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tỷ lệ nữ vào nguồn quy hoạch. Hầu hết nữ lãnh đạo, quản lý; nữ công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan quản lý Nhà nước từ huyện đến xã, thị trấn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, tạo được uy tín và sự đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị, chất lượng lãnh đạo, quản lý ngày càng được khẳng định. Tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo, quản lý tăng (tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy: Đối với cấp huyện, có 11/40 chị; cấp xã có 41/190 chị. Đại biểu nữ trúng cử Hội đồng nhân dân cấp huyện là 10/35 chị, đạt 28,57 %, cấp xã là 114/400 chị, đạt tỷ lệ 28,5%. Công tác phát triển đảng viên nữ luôn được các cấp uỷ đảng thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng, phân công đảng viên giúp đỡ đối tượng cán bộ nữ có chiều hướng phát triển, có đủ điều kiện để giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét phát triển Đảng; số lượng đảng viên nữ được kết nạp hàng năm tăng, trong 5 năm qua, giới thiệu kết nạp được 494 chị, đảng viên nữ trong toàn huyện đến nay là 1.845/4.432 chiếm tỷ lệ 41,63%. Thành lập mới và ra mắt 89 mô hình mới, trong đó: 05 mô hình “Vun đắp những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”, 09 mô hình tập hợp phụ nữ đặc thù, 05 mô hình “Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền hiệu quả”... hơn 90% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động, các đề án của Chính phủ, kiến thức và kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên quan tâm tuyên truyền những việc làm, mô hình hay, điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế
Việc triển khai, học tập, quán triệt Chỉ thị ở một số cơ sở chưa được thường xuyên, sâu rộng. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác phụ nữ, về bình đẳng giới chưa đây đủ, còn xem nhẹ trách nhiệm đối với công tác phụ nữ. Công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp với phụ nữ để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và những vấn đề đặt ra trong công tác phụ nữ và tổ chức Hội ở địa phương chưa được quan tâm thường xuyên. Công tác phối hợp của một số chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở với Hội Phụ nữ trong triển khai thực hiện nghị quyết có lúc chưa chặt chẽ; chất lượng hoạt động của hội hiệu quả chưa cao; một số mô hình còn mang tính hình thức, công tác tham mưu, xử lý, giải quyết những vẫn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên còn hạn chế.
Trong những năm tới, tỉnh Lâm Đồng nói chung, huyện Lâm Hà nói riêng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố; vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Tổ chức Hội tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc đồng hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, huyện vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định chính trị; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... sẽ tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, vấn đề bất bình đẳng giới vẫn còn biểu hiện dưới những hình thức, góc độ khác nhau, làm ảnh hưởng đến sự phát huy tiềm năng, thế mạnh của người phụ nữ; chất lượng xây dựng gia đình, chất lượng cuộc sống của phụ nữ còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 21các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và cac tổ chức chính trị - xã hội, ban, ngành trên địa bàn huyện cần:
- Tiếp tục triển khai quán triệt, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho các Cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về ý nghĩa, mục đích của Chỉ thị 21-CT/TW; Công văn số 807-CV/HU, ngày 27/9/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy về chỉ đạo triển khai chức hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” nhằm tạo sự chuyển biến hơn nữa về công tác phụ nữ, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội.
-Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp vững mạnh toàn diện, chăm lo tạo nguồn, bồi dưỡng giới thiệu cán bộ nữ, hội viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp.
-Tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, chủ động quy hoạch tạo nguồn, bố trí sử dụng cán bộ nữ ở các cấp, các ngành, đoàn thể, chú trọng đào tạo cán bộ nữ trẻ, cán bộ nữ là dân tộc thiểu số.
- Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp giữa Hội LHPN, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp với cơ quan quản lý Nhà nước, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Tham mưu có hiệu quả các chính sách pháp luật và các vấn đề liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
-Nâng cao vị thế và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong việc xây dựng và bảo vệ quyền lợi cho nữ giới. Các cấp ủy Đảng cần xây dựng quy chế, nhất thiết phải lấy ý kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ hoặc Ban Nữ công Công đoàn trong quá trình thực hiện công tác cán bộ liên quan đến phụ nữ. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức này đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, để tiếng nói của họ có trọng lượng và để việc chăm lo, giáo dục, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ có hiệu quả.
- Hội LHPN các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, Chính quyền, đề xuất các biện pháp thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động; thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở”, bám địa bàn dân cư, chăm lo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên, xây dựng tổ chức Hội LHPN vững mạnh. Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ Lâm Hà thời đại mới”.
-Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá và hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW từ huyện đến cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, nhân rộng mô hình, cách làm hay trong quá trình thực hiện.
Lê Thị Hải – BDV Huyện ủy Lâm Hà