QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
Một số giải pháp nhằm đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác dân vận của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Lâm Hà In trang
20/02/2023 03:55 CH

Một số giải pháp nhằm đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác dân vận của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Lâm Hà

Công tác Dân vận nói chung và công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những công tác cơ bản, có tính chiến lược, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. 
Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, trước những vận hội và thách thức, đòi hỏi công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải có sự đổi mới toàn diện, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay là hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, phát huy vai trò vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Lâm Hà phát triển ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 541 tỷ đồng/KH 400 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện theo tiêu chí đa chiều 2016 - 2020 giảm 1%/KH 0,5-1%, trong đó hộ ĐBDTTS số giảm 2,7%/KH1,5% - 2%. Đến nay, toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong năm huyện được UBND tỉnh công nhận thêm 02 xã nông thôn mới nâng cao (Tân văn, Đông Thanh) và 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Tân Hà); huyện Lâm Hà đạt chuẩn Nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong đó, công tác dân vận của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội được cấp ủy chỉ đạo, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều bước phát triển mới, đặc biệt là trong lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, hội viên, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, chống âm mưu phá hoại về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở có trình độ, có kỹ năng, nhiệt tình gắn bó với địa phương, số đông cán bộ dân vận cơ sở biết vận dụng, thực hiện đúng Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể và đã đạt được nhiều kết quả. Đa số đảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Khánh thành công trình thanh niên thắp sáng đường quê tại xã Tân Thanh
Khánh thành công trình thanh niên thắp sáng đường quê tại xã Tân Thanh

Năm 2022 Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã triển khai phong trào thi đua “ Dân vận khéo”  đạt những kết quả tích cực trong thực hiện phong trào thi đua “ Dân vận khéo”, có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được triển khai và nhân rộng như: MTTQ xây dựng mô hình “Tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm” trong các thôn ĐBDTTS xã Mê Linh, mô hình “Tổ già làng tự quản” ở xã Đạ Đờn; Hội phụ nữ có mô hình “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyệt thống”, “Tổ phụ nữ không sinh con thứ 3”. Hội Nông dân có phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Xóa đói giảm nghèo, ngày vì người nghèo”; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Cựu Chiến binh gương mẫu”; Đoàn thanh niên có phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”; “Thắp sáng đường quê”. 

Hội Chữ thập đỏ huyện Lâm Hà phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Quận Tân Bình- Thành phố Hồ Chí Minh trao quà tại 02 thôn Pretieng,  xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà,
Hội Chữ thập đỏ huyện Lâm Hà phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Quận Tân Bình- Thành phố Hồ Chí Minh trao quà tại 02 thôn Pretieng,  xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà,

Tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong vùng ĐBDTTS thôn Pretieng, xã Phú Sơn như: Tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở những diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm; tổ chức vận động 37 hộ tham gia chương trình, trong đó theo kế hoạch trồng 5,6ha cho 23 hộ dân, kết quả trồng 7,6ha/26 hộ tăng 2,6ha và 03 hộ. Xây dựng nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở 20 căn với số tiền Quỹ “vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ 01 tỷ đồng, cùng với nguồn vận động của xã hỗ trợ 60 triệu đồng, tổng giá trị 1,060 tỷ đồng; Hội nông dân huyện hỗ trợ cho 14 hộ nông dân vay 140 triệu đồng tiền Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nong né nuôi tằm; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hộ trợ xây dựng 01 căn nhà số tiền 50 triệu đồng, 04 công trình vệ sinh trị giá 32 triệu; Huyện đoàn triển khai Chương trình “kỳ nghỉ hồng” trồng 0,6 ha dâu, tặng 02 tấn phân, 04 bộ nong né trị giá 13 triệu, 23 phần quà trị giá 23 triệu, 700 phần sữa cho trẻ em; Đoàn xã vận động tặng 441 phần quà trị giá 102,750.000 đồng; Hội Chữ thập đỏ huyện vận động 250 phần quà, trị giá 75 triệu đồng; MTTQ triển khai hỗ trợ sinh kế từ nguồn Quỹ “vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ cho 43 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 860 triệu đồng; Ban chỉ huy Quân sự huyện điều động 50 cán bộ chiến sỹ tham gia trồng dâu cho nhân dân (50 ngày công lao động). Tổng số tiền tổ chức đợt công tác dân vận tại 2 thôn Pretieng, xã Phú sơn là 2,370 tỷ đồng (gồm hỗ trợ 2,230 tỷ đồng, cho vay 140 triệu đồng). Bước đầu đã góp phần giảm nghèo từ 43 hộ nghèo năm 2021 giảm còn 37 hộ cuối năm 2022, từ 38 hộ cận nghèo năm 2021 giảm còn 35 hộ nghèo cuối năm 2022. Đây được coi là kết quả rất thành công trong thực hình mô hình “dân vận khéo” trong vùng ĐBDTTS làm tiền đề nhân rộng ở các địa phương, đơn vị.

Xuân tình nguyện, tết yêu thương năm 2023
Xuân tình nguyện, tết yêu thương năm 2023

* Tuy nhiên thực tế hiện nay, công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế:
 Công tác tuyên truyền, vận động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở chưa được coi trọng đúng mức. Tình trạng một số cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách công tác dân vận Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thể có lúc tinh thần trách nhiệm chưa cao. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nơi còn hạn chế.
Nhằm khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, đồng thời, tăng cường đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác dân vận của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Lâm Hà góp phần tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, cần tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể như sau: 
+ Một là: Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và hệ thống chính trị về vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
- Tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là cơ sở quần chúng của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, làm cho Đảng ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và hệ thống chính trị về nhiệm vụ lãnh đạo, xây dựng tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó, cần xác định rõ công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là bộ phận quan trọng và thường xuyên trong công tác dân vận của Đảng. 
- Tăng cường giáo dục truyền thống, tuyên truyền, giới thiệu về tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong các thời kỳ cách mạng và trong giai đoạn hiện nay. 
+ Hai là: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, công tác vận động, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thể tăng cường đổi mới hoạt động theo hướng rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ, thiết thực, hiệu quả, sát cơ sở, coi trọng chất lượng trong đánh giá và phân loại tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các phong trào thi đua, hướng mạnh về cơ sở; chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, phát huy truyền thống yêu nước, trách nhiệm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.
- Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần chọn chủ đề công tác, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời gian, đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục. Trong đó cần tập trung vào tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII; Luật Mặt trận Tổ quốc; Luật Công đoàn; Luật Thanh niên; Pháp lệnh Cựu Chiến binh và Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quy chế dân chủ ở cơ sở...
- Tập trung lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân theo lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích; phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên, người có uy tín, già làng, cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Thường xuyên tổ chức học tập kinh nghiệm, hội thảo, hội thi... nhằm đánh giá, trao đổi, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
- Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp nhằm thu hút đoàn viên, hội viên. Căn cứ vào từng loại hình tổ chức và đặc điểm của từng đơn vị để xác định nội dung sinh hoạt cho phù hợp; tuỳ theo yêu cầu, sự cần thiết tổ chức sinh hoạt định kỳ, đột xuất hoặc chuyên đề. Ở xã hướng các hoạt động vào việc tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp với chính quyền tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, nhất là dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực phát triển sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị đánh giá kết quả vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị hiệu quả; thi đua thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh...
- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng các mô hình điển hình “dân vận khéo” gắn với thực hiện “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tổ chức thí điểm, xác định nội dung thi đua trọng tâm, có phân công lãnh đạo, kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm, từ đó mới triển khai nhân rộng; địa phương kịp thời động viên, khen thưởng những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong nhân dân. 
- Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương theo Quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Vận động nhân dân tích cực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các vụ việc phức tạp phát sinh và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. 
+ Ba là: Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở
- Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cán bộ chủ chốt có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Có kế hoạch tổng thể về tạo nguồn, tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo theo hướng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó chú trọng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ đồng bào theo đạo, đảm bảo lực lượng kế thừa; duy trì công tác bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ cơ sở, nhất là kỹ năng thực tiễn trong công tác vận động quần chúng đối với từng đoàn thể. Đề nghị phương pháp luân chuyển cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giữa các cơ quan Đảng, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nếu được giữa cấp huyện và cấp xã.
 - Các cấp uỷ chăm lo kiện toàn, củng cố hệ thống công tác dân vận và cán bộ phụ trách công tác dân vận của Đảng ở các cấp. Có kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ hoạt động chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn (đối với cán bộ chủ chốt của một số tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở và thôn cần bố trí kiêm nhiệm một số chức danh để tăng thêm phụ cấp trách nhiệm, động viên cán bộ nhiệt tình trong công tác). Phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và cộng tác viên.
+ Bốn là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
- Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Hằng năm và từng nhiệm kỳ, căn cứ vào tình hình thực tế, các cấp uỷ cần ban hành các văn bản lãnh đạo công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện tốt chế độ giao ban định kỳ giữa Thường trực cấp uỷ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tiếp thu và kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị, vướng mắc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại, trong đó yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, hội viên và nhân dân.
- Ban Thường trực Mặt trận, Ban Chấp hành hội cấp trên thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và trực tiếp gặp gỡ, giải quyết, đối thoại trực tiếp với cơ sở và nhân dân. Cấp ủy cơ sở tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo đồng thời chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng về nâng cao phương thức, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
- Các cấp uỷ duy trì bố trí lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc và các tố chức chính trị - xã hội tham gia cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ; phân công đảng viên tham gia sinh hoạt và làm nòng cốt trong các phong trào, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Duy trì thường xuyên việc đưa nội dung lãnh đạo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp.
- Thực hiện tốt vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Tôn trọng nguyên tắc hoạt động và lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
+ Năm là: Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Chính quyền chủ động xây dựng nội dung, ký kết quy chế phối hợp hoạt động với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Tổ chức cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia phản biện, góp ý xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thể giám sát đối với hoạt động của chính quyền, cán bộ, công chức; tham gia phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án quan trọng của địa phương, cơ quan, đơn vị theo Quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
- Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp phụ trách công tác dân vận của chính quyền, chỉ đạo hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng tinh thần trách nhiệm và tác phong, thái độ của cán bộ, công chức trong tiếp xúc và giải quyết các công việc có liên quan đến nhân dân. Rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả các quy chế, chương trình công tác phối hợp giữa Ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo sự thống nhất giữa quản lý, điều hành của Nhà nước và công tác vận động quần chúng nhân dân trong tổ chức thực hiện từng chương trình, đề án, dự án, nhất là các chương trình phát triển kinh tế- xã hội trọng tâm của huyện giai đoạn 2015- 2020.
- Chính quyền các cấp thực hiện bảo đảm kinh phí, điều kiện hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở. Từng bước bổ sung chế độ đối với cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp tham gia hoặc phối hợp tham gia một số chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; coi trọng vai trò tư vấn, giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Ủy ban MTTQ huyện tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ  công tác Mặt trận năm 2023
Ủy ban MTTQ huyện tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ  công tác Mặt trận năm 2023

Để tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng của nhân dân thì công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phải tập trung đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước và thường xuyên tuyên truyền trong nhân dân những “âm mưu diễn biến hòa bình”; “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch đòi chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước trong nhân dân. Tiếp tục phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở và nhân dân, các phong trào hành động cách mạng, thi đua sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, trong gia đình và xã hội. Thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công, hưởng ứng ngày “Vì người nghèo”, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn, biểu hiện tiêu cực, đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

 Lê Thị Hải -  BDVHU 
 

Lượt xem: 688
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000560905
  •  Đang online: 44
  •  Trong tuần: 12.264
  •  Trong tháng: 35.818
  •  Trong năm: 299.768