QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/HU, NGÀY 14/12/2023 CỦA HUYỆN ỦY LÂM HÀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI; THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ THỨ VIII”.
Dân vận tập trung tạo thay đổi lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số In trang
23/04/2019 12:00 SA

Dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là an dân. Việc thực hiện dân vận tập trung là sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân, để tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển một khu vực. Phương pháp làm dân vận này đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong Nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần củng cố hơn nữa niềm tin của bà con vào chính sách dân vận của Ðảng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hoạt động dân vận tập trung đã mang lại sự thay đổi về cơ sở vật chất cho vùng đồng bào DTTS. Trong ảnh: Trẻ em người DTTS vui đùa trong sân trường mầm non mới được xây dựng. Ảnh: H.My
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hoạt động dân vận tập trung đã mang lại sự thay đổi về cơ sở vật chất cho vùng đồng bào DTTS. Trong ảnh: Trẻ em người DTTS vui đùa trong sân trường mầm non mới được xây dựng. Ảnh: H.My

Nhiều nỗ lực phát triển vùng đồng bào DTTS

Lâm Hà hiện có 30 dân tộc anh em sinh sống, chiếm 24% dân số toàn huyện. Trong đó, DTTS gốc Tây Nguyên chiếm 17%. Nhiều năm qua, công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS ngày càng được các cấp, các ngành tăng cường và đổi mới nhằm thay đổi toàn diện khu vực này. Toàn huyện Lâm Hà hiện có 1.500 hộ nghèo, chiếm 4,11%; trong đó, hộ nghèo người DTTS còn 736 hộ.
 
Ông Hà Văn Thuận - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Hà, khẳng định: “Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo các phòng, ban, ngành địa phương chú trọng thực hiện công tác dân vận”. Theo đó, công tác này được thực hiện thông qua việc triển khai các nhiệm vụ như hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo chú trọng vào vùng đồng bào DTTS; tổ chức trên 600 cuộc họp dân để lấy ý kiến về các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển...Đồng thời, thông qua Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng để công khai các nội dung cho dân biết. Đặc biệt là các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng do Nhân dân đóng góp, Nhà nước hỗ trợ phát huy hiệu quả. 
 
Các chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, 16,3 tỷ đồng hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn từ Chương trình 134 đã cơ bản giải quyết được những bức xúc về nhà ở và đất sản xuất của đồng bào. Theo đó, trên 1.700 ha đất sản xuất và trên 1.180 căn nhà đã được bố trí cho bà con. 33 công trình nước sạch được xây dựng đảm bảo nước sinh hoạt cho gần 2.000 hộ dân. Trong giai đoạn 2006 - 2017, đã có trên 60 tỷ đồng vốn từ Chương trình 135 được phân bổ đã hỗ trợ cho trên 2.800 lượt hộ có thêm điều kiện phát triển sản xuất. Và từ năm 2009 đến nay, trên 30 tỷ đồng nguồn vốn 30a đã đến với trên 3.000 lượt hộ. Ngoài các chính sách của cấp trên, huyện đã xây dựng Quỹ “Ủng hộ đồng bào DTTS nghèo” được 1,2 tỷ đồng, cho trên 200 lượt hộ đồng bào DTTS nghèo vay vốn sản xuất không lấy lãi trong 3 năm...
 
Sự hỗ trợ đó đã thúc đẩy bà con vùng đồng bào DTTS phát triển sản xuất, vươn lên thay đổi cuộc sống. Đó cũng là điều kiện để củng cố vững chắc thêm khối đại đoàn kết toàn dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hoạt động dân vận tập trung đã mang lại sự thay đổi về cơ sở vật chất cho vùng đồng bào DTTS (Trong ảnh: Trẻ em người DTTS vui đùa trong sân trường mầm non mới được xây dựng). Ảnh: H.My
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hoạt động dân vận tập trung đã mang lại sự thay đổi về cơ sở vật chất cho vùng đồng bào DTTS (Trong ảnh: Trẻ em người DTTS vui đùa trong sân trường mầm non mới được xây dựng). Ảnh: H.My

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo ông Danh Mố - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà: “Dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thay đổi nhận thức cũng như thúc đẩy sự phát triển trong vùng đồng bào DTTS. Đó không chỉ là nhiệm vụ của Ban Dân vận Huyện ủy mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương tùy vào chức năng, nhiệm vụ, hoàn cảnh để có cách làm dân vận thích hợp. Mục tiêu cuối cùng là tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân, khơi dậy sức dân để phát triển”.

Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên tiến hành việc rà soát để xác định đặc điểm của các địa bàn có đông đồng bào DTTS, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Huyện ủy chọn những địa bàn cấp thiết để tập trung làm dân vận, không dàn trải. Đồng thời đó cũng là cơ sở để tổ chức các hoạt động dân vận tập trung, phát huy thế mạnh của từng ban, ngành, đoàn thể cũng như tận dụng sự hỗ trợ của doanh nghiệp và Nhân dân. Nghĩa là ngoài việc Ban Dân vận và cơ quan quân sự huyện làm đầu mối thì cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. 

“So với phương thức “việc ai nấy làm” như trước đây thì phương án tiến hành dân vận tập trung cho thấy rõ hiệu quả, sự chuyển biến của các địa phương. Ðồng thời việc cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người dân nhận thấy rõ sự quan tâm của cả xã hội đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS. Qua đó, tạo sự gắn bó mật thiết hơn nữa trong mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước với bà con” - Ông Phan Văn Tĩnh, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà nói. 

Hang Hớt, Cổng Trời là hai thôn thuộc xã Mê Linh là địa bàn được thực hiện “đậm đặc” các hoạt động dân vận thời gian gần đây. Ngoài các công tác thường xuyên như tuyên truyền về các chính sách trong vùng đồng bào DTTS, vận động bà con tham gia bảo vệ, phát triển rừng, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng...; các hoạt động xây dựng nhà tình thương, sửa chữa, nâng cấp các trường học cũng được tiến hành mạnh mẽ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cụ thể, trong đợt dân vận năm 2017: UBND huyện hỗ trợ bàn ghế và các thiết bị phục vụ tại nhà sinh hoạt cộng đồng của hai thôn Hang Hớt và Cổng Trời. Ban Chỉ huy Quân sự huyện hỗ trợ sửa chữa nhà mẫu giáo. MTTQ huyện hỗ trợ xây 5 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa một mái tôn. Hội Phụ nữ hỗ trợ “Mái ấm tình thương”. Hội Nông dân hỗ trợ hội viên nghèo. Đoàn Thanh niên hỗ trợ xây dựng sân chơi tại trường mầm non. Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ tặng quà từ thiện... Tổng kinh phí hoạt động dân vận tại khu vực này lên đến trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho khu vực này vẫn liên tục được thực hiện.

Không chỉ có MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội khác cũng tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong vùng đồng bào DTTS. Theo đó, các phong trào vận động trong Nhân dân được thực hiện linh hoạt, đa dạng. Không chỉ dừng lại ở việc vận động tuyên truyền mà còn trực tiếp “xắn tay” vào hỗ trợ. Nhất là hỗ trợ bà con làm kinh tế. Bởi đó đang là vấn đề khó khăn nhất trong vùng đồng bào DTTS ở Lâm Hà. Vực dậy được kinh tế cho bà con sẽ khơi dậy được chính sức dân, thúc đẩy sự phát triển. 

Dân vận là chính sách an dân, làm dân vận tốt thì việc an dân hiệu quả, từ đó bà con tập trung chăm lo phát triển kinh tế - xã hội. Bởi thế “dân vận tốt” thật sự là “đòn bẩy mạnh” để thúc đẩy sự phát triển trong vùng đồng bào DTTS, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

HOÀNG MY - baolamdong.vn

Lượt xem: 574
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000335094
  •  Đang online: 18
  •  Trong tuần: 1.342
  •  Trong tháng: 5.490
  •  Trong năm: 73.957