KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN LÂM HÀ GIAI ĐOẠN 1975 – 2010
(Khái lược theo cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Lâm Hà (1975-2010), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tháng 6/2010)
.
Phần mở đầu
LÂM HÀ – VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI
I. Lâm Hà-vùng đất Nam Tây Nguyên:
Lâm Hà, huyện miền núi phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ, ở tọa độ vĩ tuyến: 11040’ - 12005’, kinh tuyến 107057’ - 108025’. Phía Bắc giáp thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, phía Nam giáp huyện Di Linh, phía Đông giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Đam Rông và tỉnh Đắk Nông. Diện tích tự nhiên: 998 km2 chiếm khoảng 10% diện tích tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Hà nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển, nhiều triệu năm trước vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nói riêng, bán đảo Đông Dương nói chung đã ổn định về kiến tạo địa chất, các hoạt động tạo sơn đã chấm dứt, quá trình phong hóa nham thạch do hoạt động của núi lửa tạo ra một vùng đất bazan rộng lớn, màu mỡ.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu có 2 mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700ml/năm, độ ẩm trung bình khoảng 80%, khoảng hơn 10 năm trở lại đây khí hậu có phần thay đổi so với trước, quy luật 2 mùa mưa nắng, thời điểm chuyển mùa, lượng mưa, độ ẩm trung bình hàng năm cũng có sự khác biệt. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng 100C, có thể ví rằng trong một ngày đêm đều có đặc điểm khí hậu của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 210C - 220C, tháng 12 và tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất khoảng 180C - 190C và tháng 4, tháng 5 có nhiệt độ trung bình cao nhất khoảng 240C - 250C. Khí hậu ôn hòa mát mẻ, độ ẩm cao thuận lợi cho sức khỏe con người và trồng trọt, chăn nuôi, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.
Huyện Lâm Hà có nhiều sông, suối bắt nguồn từ các vùng núi cao như: sông Đạ Dâng bắt nguồn từ vùng núi Lang Biang chảy theo hướng Đông - Nam gặp sông Đa Nhim ở ngã ba nước giáp xã Đan Phượng; suối Cam Ly, Đạ Mê, Đạ SeĐang Chảy theo hướng Bắc - Nam nhập vào sông Đạ Dâng. Các dòng sông, suối trên địa bàn huyện là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, tiềm năng để xây dựng các nhà máy thuỷ điện, xây dựng các công trình thuỷ lợi, phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ngoài hệ thống sông, suối, Lâm Hà còn nhiều đầm, hồ với hơn 1.800 ha mặt nước như: hồ KaNi, ĐạSa ở Liên Hà, hồ Phúc Thọ ở Tân Hà; hồ Rihin, hồ ĐaDưng ở Phúc Thọ, hồ Tân Thanh, hồ Bãi Công.
Địa hình bị chia cắt bởi hệ thống đồi núi và hệ thống sông nước đa dạng tạo nên các ngọn thác đẹp như: thác Voi ở Nam Ban, thác Liêng Snha ở Tân Thanh, thác Cam Ly ở Mê Linh, thác Bảy Tầng ở Phúc Thọ… các ngọn thác này tạo ra tiềm năng về phát triển du lịch, hiện nay thác Voi Nam Ban đã được nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia.
Rừng của huyện Lâm Hà chiếm diện tích 57,34% diện tích tự nhiên với 90.977,21ha. Ðộ che phủ của rừng tương đối lớn, trữ lượng gỗ đạt 7 triệu m3 và tre nứa các loại. Ngoài ra, còn có nhiều loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, trắc, gõ, sao, xá xị. Ðặc biệt trong rừng còn có nhiều loại dược liệu tự nhiên và có khả năng trồng với diện tích lớn như: Sâm Bố Chính, Sâm Cau, Tam Thất, Canh Ki Na, Quế. .vv. Những điều kiện thuận lợi này cho phép Lâm Hà thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về Lâm nghiệp, thực hiện khoanh nuôi, tu bổ, cải tạo và trồng rừng.
Qua khảo sát và nghiên cứu địa chất, Lâm Hà không có nhiều khoáng sản như một số địa phương khác trong tỉnh để có thể tổ chức khai thác ở quy mô lớn, nhưng có thể khai thác đất cao lanh, đá, cát để sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ cho trong và ngoài huyện.
Hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Theo thống kê năm 2009 toàn huyện có 48.090 ha đất nông nghiệp trong đó: 41.116 ha trồng cây công nghiệp, 1.649 ha lúa nước, 1.309 ha mặt nước và nuôi trồng thủy sản; 22.010 ha rừng gồm rừng hỗn giao, rừng lá kim, rừng lá rộng với nhiều động vật quý hiếm và có giá trị. Với hệ động thực vật phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, phát triển cây công nghiệp như cà phê, chè, dâu tằm và phát triển bảo tồn rừng phòng hộ, rừng sản xuất tạo điều kiện cho huyện phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn với môi trường sinh thái bền vững.
Về dân tộc, khai quật di chỉ tại xã Gia Lâm, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra các dụng cụ sinh hoạt bằng đá như rìu tay, đá ba mặt mũi nhọn, nạo, hòn đá ném, vòng trang sức bằng đá …, chứng minh trong thời kỳ đồ đá người nguyên thủy đã sống ở nơi đây.
Điều tra dân số thời điểm ngày 01- 04- 2009, huyện Lâm Hà có 30 dân tộc anh em, với dân số trên 137.000 người, sống trên địa bàn 16 xã, thị trấn.
Dân tộc K’ho, theo tiếng Chăm cổ K’ho có nghĩa là người ở trên cao, người miền núi (theo Mạc đường) là dân tộc bản địa có dân số đông nhất tại huyện Lâm Hà với dân số: 17.146 người sống ở các xã Mê Linh, Phi Tô, Đạ Đờn, Tân Thanh, Đan Phượng, Phú Sơn và thị trấn Đinh Văn. Người K’ho theo chế độ mẫu hệ, con cái sinh ra được lấy họ mẹ, con gái cưới chồng và được quyền thừa kế tài sản, chú rể sau hôn lễ phải về ở bên nhà vợ; Tập tục cổ truyền người K’ho tuyệt đối cấm kỵ việc kết hôn giữa người trong cùng một dòng họ, nhất là cùng một địa phương. Cồng chiêng và các loại khèn cùng với các làn điệu dân ca, điệu nhảy, điệu múa nhẹ nhàng uyển chuyển là đặc trưng nổi bật trong văn hóa của người K’Ho; tư liệu sinh hoạt truyền hoạt truyền thống ngoài những dụng cụ sản xuất còn có ché, nồi đồng và có nhiều nghề thủ công mà phổ biến nhất là dệt thổ cẩm để mặc và trao đổi, đan lát đồ mây tre, cói và chế tạo nông cụ sản xuất. Đến nay các phong tục cổ truyền của người K’ho tiếp tục được bảo tồn, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được nhận thức và bãi bỏ, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của người K’ ho đã được nâng lên, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Dân Tộc Mạ, hiện có khoảng: 1.781 người, sống chủ yếu ở xã Đạ Đờn, Phúc Thọ. Trước đây cư dân người Mạ sống du canh, du cư, phá rừng làm rẫy và săn bắn hái lượm, lúa rẫy là cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi chủ yếu là lợn, dê, bò, trâu, gà vịt để giết thịt và phục vụ các lễ hiến sinh, chưa biết dùng trâu bò để dùng sức kéo…
Tín ngưỡng truyền thống của người Mạ trước đây cũng giống như người K’ho, người Mạ tin vào thần Nđu là vị thần sáng tạo, các vị thần nông nghiệp như thần lúa (YangKoi), thần rừng (YangBri), thần núi (YangBnơm), thần lửa (Yang Us) …vv với các lễ cúng hồn lúa (LeYangTuýtCoi), lễ cúng cơm mới (LirBôông) và các lễ hiến sinh bằng nghi thức đâm trâu, đốt lửa, nhảy múa, cồng chiêng vào các dịp lễ… Ngoài các loại hình tín ngưỡng dân gian, các tôn giáo khác như: Thiên chúa giáo và đạo Tin lành đã xâm nhập vào cộng đồng người Mạ. Với truyền thống văn hoá nghệ thuật dân gian phong phú, đến nay vẫn được bảo tồn, các hủ tục lạc hậu đều được xoá bỏ, đồng bào dân tộc Mạ ngày càng phát triển góp phần vào sự phát triển chung của toàn huyện Lâm Hà.
Ngoài cộng đồng dân tộc K’ho, Mạ tại Lâm Hà còn có các dân tộc gốc Tây Nguyên khác như: dân tộc Mơnông, Churu, Raglây, Xtiêng … qua quá trình lịch sử cũng di cư đến sinh sống tạo nên cộng đồng dân tộc bản địa đa dạng, phong phú, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.
Sau 1975 một bộ phận các dân tộc thiểu số phía Bắc như: dân tộc Thái, Tày, Nùng, Thổ, Dao …từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên quang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh di cư vào Lâm Hà sinh sống, tập trung tại các xã Phi Tô, Tân Văn, Tân Thanh, Phúc Thọ, Liên Hà. Mỗi một dân tộc có truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán khác nhau, cho đến nay các dân tộc thiểu số phía Bắc vẫn giữ được nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc, tạo nên sự phong phú đa dạng của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống trên quê hương Lâm Hà.
Người Kinh đến sinh sống tại huyện Lâm Hà trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, trước năm 1945 một bộ phận đi làm phu cho Pháp (chủ yếu là giai đoạn 1929 - 1945) để làm đường giao thông, khai thác chế biến tài nguyên rừng, lập đồn điền cà phê, chè …sau cách mạng tháng 8 năm 1945 một bộ phận dân cư ở lại sinh cơ lập nghiệp. Tập trung chủ yếu ở xã Phú Sơn, Đạ Đờn, Đinh Văn dọc theo quốc lộ 27.
Giai đoạn 1954 - 1955 sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, một bộ phận đồng bào theo đạo công giáo, thân nhân những người đi lính, đi phu cho Pháp và làm việc cho chế độ phong kiến bị dụ dỗ, cưỡng ép di cư vào sinh sống cùng với bộ phận dân cư đã sinh sống ở đây.
Giai đoạn 1955 - 1975 đồng bào các tỉnh duyên hải miền trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên … do chế độ Mỹ ngụy khủng bố, đàn áp, bắt lính nên một bộ phận dân cư tiếp tục di cư lánh nạn.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước sắp xếp lại dân cư, tạo thế chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Tại huyện Đức Trọng (cũ), lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch đưa dân vào xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội. Tại vùng Nam Ban, Lán Tranh, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chương trình dãn dân ở Tùng Nghĩa, Liên Hiệp, Bình Thạnh vào Phi Tô, Tân Văn, Đạ Đờn; Dãn dân ở Đà Lạt về Đinh Văn, đồng thời tiếp tục tiếp nhận đồng bào các tỉnh khác theo kế hoạch vào xen ghép với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các đợt bố trí sắp xếp lại dân cư theo kế hoạch, trong giai đoạn 1980 đến năm 2000 một bộ phận không nhỏ dân cư từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã di cư tự do, di cư theo người thân vào sinh cơ lập nghiệp tại huyện Lâm Hà.
Dân cư các vùng miền trên cả nước đến sinh cơ lập nghiệp theo nhiều tôn giáo khác nhau, sinh sống đan xen, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán, trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm di cư khác nhau. Song các dân tộc anh em sống trên địa bàn huyện đều giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ để đấu tranh chống lại kẻ thù chung của dân tộc, giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Về Tôn giáo, trên địa bàn huyện Lâm Hà hiện có bốn Tôn giáo chính đó là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài. Trong những năm gần đây các cơ sở tôn giáo được sự quan tâm của chính quyền các cấp đã tổ chức xây dựng, chỉnh trang các cơ sở thờ tự, thành lập thêm các Chi hội Tin lành, giáo xứ … củng cố tổ chức để hoạt động theo quy định của pháp luật và giáo lý, giáo luật với phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết, gắn bó để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Về hệ thống giao thông, Lâm Hà có trục đường chiến lược chính là quốc lộ 27 nối với Quốc lộ 20 ở ngã ba Liên Khương đi thành phố Buôn Ma Thuột, đoạn qua địa phận Lâm Hà dài 77 km. Ðây là tuyến đường quan trọng nối với các xã vùng sâu, vùng xa ở phía Bắc, tạo đều kiện để phát triển kinh tế những vùng này. Tỉnh lộ 725 nối Lâm Hà với thành phố Ðà Lạt, trong đó có 29 km đi qua địa phận Lâm Hà, được chia làm hai đoạn: Nối quốc lộ 27 ở N’Thol Hạ đi Tà Nung và nối với quốc lộ 27 ở Ðinh Văn đi Tân Hà, đây là tuyến đường nối liền trung tâm huyện với hai vùng kinh tế quan trọng của huyện là Nam Ban và Lán Tranh. Toàn huyện đã xây dựng được mạng lưới giao thông với tổng chiều dài khoảng 800 km, bảo đảm ôtô chạy đến tất cả các xã trong huyện.
Về hành chính, từ thế kỷ XVII, vùng đất này vẫn còn rừng núi hoang vu, dân số rất ít, nên gọi là vùng Man Hoang, thuộc trấn Thuận Thành. Năm 1697 bỏ trấn Thuận Thành và lập phủ Bình Thuận. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) thành lập tỉnh Bình Thuận gồm có 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận, vùng đất Lâm Hà thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận.
Năm 1920 tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập, Lâm Hà thuộc tổng Bình Thạnh, quận D’Ran (quận D’Ran có 2 tổng Càng Rang và tổng Bình Thạnh), địa giới tổng Bình Thạnh. Tháng 5 năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh 261/NV thành lập tỉnh Tuyên Đức gồm 3 quận: Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương. Vùng lâm Hà thuộc tổng Đinh Tân, Quận Đức Trọng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn Lâm hà thuộc huyện Đức Trọng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Tuyên Đức. Tháng 9 năm 1963, Tỉnh ủy Tuyên Đức giải thể, các xã vùng Tây Bắc của huyện Chiến Đấu được chuyển giao cho tỉnh Quảng Đức quản lý; tháng 5 năm 1965, Tỉnh ủy Tuyên Đức được thành lập trở lại, toàn bộ vùng đất này thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Tuyên Đức. Tháng 5 năm 1976 sáp nhập 2 xã Tuerlang Tho và Tuerlang Deung thành xã Đạ Đờn. Năm 1977 tách xã Đinh Văn thành 2 xã Đinh Văn và xã Tân Văn, sáp nhập vùng PhiSron và Prijong Tho thành xã Phi Tô.
Ngày 24-10-1987 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 157 QĐ/HĐBT chia tách huyện Đức Trọng thành 2 huyện Đức Trọng và Lâm Hà; huyện Lâm Hà được thành lập gồm 16 đơn vị hành chính trên cơ sở 5 xã phía Bắc huyện Đức Trọng đó là: đổi tên xã Đinh Văn thành thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, xã Tân Văn, xã Phú Sơn, xã Phi Tô; thành lập thêm 3 xã mới: xã Phi Liêng, xã Liêng Sron, xã Ro Men (một bộ phận huyện Đam Rông ngày nay) và vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng gồm các xã: Mê Linh, xã Gia Lâm, xã Đông Thanh, thị trấn Nam Ban, xã Tân Hà, xã Hoài Đức, xã Phúc Thọ, xã Đan Phượng.
Năm 1991, thành lập xã Tân Thanh trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Tân Hà, Hoài Đức và Phúc Thọ. Năm 1997, thành lập xã ĐạKnàng trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Phi Liêng, Liêng Srôn.
Năm 1999, thành lập xã Liên Hà trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Tân Hà, Hoài Đức. Năm 2003, tách thị trấn Nam Ban thành 2 đơn vị hành chính là thị trấn Nam Ban và xã Nam Hà. Thời điểm này cho đến hết năm 2004 toàn huyện Lâm Hà có 20 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn và 18 xã, diện tích tự nhiên có: 1.586,52 km2, dân số gần 150.000 người.
Ngày 17-11-2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2004 /NĐ-CP về việc thành lập huyện Đam Rông trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Hà và huyện Lạc Dương; các xã phía Bắc huyện Lâm Hà là xã Phi Liêng, Liêng Srôn, Đạ Knàng, Rô Men thuộc huyện Đam Rông ngày nay. Sau khi chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Hà cho đến nay có 16 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn : Đinh Văn, Nam Ban và 14 xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà, Tân Văn, Đạ Đờn, Phi Tô, Phú Sơn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh với diện tích tự nhiên là: 998 km2, dân số 137.000 người (tháng 4 năm 2009).
II. Truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Sống dưới ách thống trị, áp bức của chế độ thực dân phong kiến, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trên vùng đất Lâm Hà đã tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân N’Trang Long vào năm 1914. Đặc biệt là ảnh hưởng của phong trào Mộ Cổ của đồng bào dân tộc K’Ho ở Di Linh năm 1937 - 1938. Bà Mộ Cộ (có nghĩa là Bà Trắng) tên thật là K’Nhòi, một người phụ nữ trẻ tuổi, có nước da và làn tóc trắng, người dân tộc K’Ho.
Cuối năm 1944 sang đầu năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương. Nắm thời cơ, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật Pháp bằn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào chống Nhật cứu nước, gấp rút chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa, thành lập chính quyền nhân dân. Cuối tháng 4 năm 1945, Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời ra đời hoạt động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
Ngày 23- 8- 1945 thành phố Đà Lạt khởi nghĩa giành chính quyền, sáng 24 tháng 8 tổ chức mít tinh và ra mắt Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Tại La Ba (Phú Sơn), sáng ngày 25- 8-1945, sau khi từ Đà Lạt trở về, ông Trương Văn Dần và ông Hai Lễ (hai ông là người Phú Sơn) đã nhanh chóng loan tin báo Đà Lạt đã khởi nghĩa giành thắng lợi và đã thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi nhân dân nổi dậy giành chính quyền thắng lợi ở La Ba.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, ngày 26 tháng 9 chiến sự lan rộng đến 2 tỉnh Đồng Nai thượng và Lâm Viên, quân Nhật đồn trú tại Liên Khàng một mặt không chịu giao nộp vũ khí, một mặt ra sức sửa sang hầm hào, lập thêm đồn bốt dọc quốc lộ 21 bis, đưa ra yêu sách đòi chính quyền cách mạng giao nộp vũ khí … Tình hình hết sức khó khăn cho chính quyền cách mạng lúc bấy giờ.
Ngày 3-10-1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Lâm Viên quyết định chuyển một trung đội tự vệ La Ba lên vùng thác Cam Ly phối hợp với quân và dân Đà Lạt chiến đấu chống Nhật. Cuối tháng 12-1945 lực lượng tự vệ Đa Thành, Cam Ly sau khi rút vào Tà Nung để bảo vệ hệ thống kho tàng cũng được lệnh rút lui vào La Ba để thành lập đơn vị tự vệ chiến đấu. Nhiệm vụ của đơn vị này là xây dựng phòng tuyến cố thủ trên km 42 đường bis 21, chặn đánh địch từ các hướng Liên Khàng vào và từ Ban Mê Thuột đánh xuống, đồng thời vận chuyển lương thực từ kho Tà Nung vào căn cứ.
Ngày 27- 1- 1946, sau khi đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, thực dân Pháp phối hợp với quân Nhật tấn công tỉnh Đồng Nai thượng và tỉnh Lâm Viên, quân và dân ta với tinh thần anh dũng đã chiến đấu bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Để bảo toàn lực lượng, các chiến sĩ tự vệ vừa làm nhiệm vụ giúp đồng bào tản cư, vừa tổ chức rút toàn bộ lực lượng về Ninh Thuận và Bình Thuận để xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng và chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Từ đây sự liên lạc của lực lương vũ trang La Ba với cấp trên bị cắt đứt, đến tháng 4 năm 1946 đơn vị tự giải tán, phần lớn anh em chiến sĩ về địa phương sinh sống, còn lại khoảng 60 đồng chí rút vào Prơteng lập căn cứ, tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đang hoạt động ở Đà Lạt. Bộ phận chặn đánh địch ở cầu Đạ Đờn được lệnh phá cầu và rút toàn bộ lực lượng về tăng cường cho hướng Tây Bắc.
Quá trình xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang La Ba mãi mãi là niềm tự hào, là nét đẹp truyền thống trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Đức Trọng (cũ) và huyện Lâm Hà ngày nay.
Giữa năm 1946, Ủy ban kháng chiến tỉnh Lâm Viên ra chỉ thị về xây dựng phong trào Gia Thạnh, La Ba. Đến cuối năm 1946, cơ sở cách mạng trong quần chúng đã được hình thành ở hầu hết các xã Gia Thạnh, La Ba, Phú Hội, Phi Nôm, đường dây liên lạc giữa các vùng được tái lập, bắt đầu hoạt động thông suốt.
Đêm 19-12- 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đồng bào các dân tộc huyện Lâm Hà cùng nhân dân cả nước lại đứng lên với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nộ lệ”.
Tháng 10 năm 1947, theo quyết định của cấp trên, các đồng chí Nguyễn Thế Tính, Mai Văn Móc, Vi Hùng, Trường Sơn về tăng cường chỉ đạo phong trào La Ba, chuẩn bị điều kiện xây dựng chiến khu của tỉnh. Sau một thời gian vận động quần chúng tại Gia Thạnh, Phú Mỹ phong trào tiếp tục lan rộng đến các khu vực Lạc Sơn, Bằng Tiên, Prơteng …
Cuối năm 1947, một trung đội cảnh sát cùng với lính đồn La Ba càn quét vào chiến khu của ta, bắt đi nhiều cơ sở. Cũng trong thời gian này tại Gia Thạnh, Phú Hội địch tổ chức phục kích, truy lùng cán bộ của ta. Tháng 8-1948 tên Chín Vị, một tự vệ của đơn vị La Ba phản bội, chỉ điểm, địch liên tiếp bao vây đánh phá chiến khu và đội công tác 500 đóng ở Phú Mỹ (Phú Sơn). Ác liệt nhất là trận tập kích bất ngờ vào 5 giớ sáng ngày 25- 9-1948 địch đã đánh úp chiến khu của ta, nhiều chiến sĩ, cán bộ của ta bị bắt và thủ tiêu, đồng chí Phan Như Thạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Lâm Viên cũng bị bắt trong trận này. Phong trào cách mạng trên địa bàn một lần nữa bị đứt liên lạc với cấp trên.
Giữa năm 1950, chi bộ Đảng cộng sản Gia Thạnh ra đời gồm có 4 đảng viên. Đồng chí Lương Bành làm Bí thư Chi bộ và đảng viên đó là đồng chí Tư, đồng chí Sửu, đồng chí Lương Thuận (năm 1952 Lương Thuận bị địch bắt và đã đầu hàng địch). Vừa mới ra đời, chi bộ Gia Thạnh cùng với chi bộ đội công tác do đồng chí Đinh Sỹ Uẩn làm Bí thư đã xây dựng thêm nhiều cơ sở ở Phú Sơn, Phú Hội và công nhân làm việc trong sân bay Liên Khàng. Đến cuối năm 1950, trên đà phát triển ta phát triển được 6 Đảng viên, đặc biệt chi bộ Gia Thạnh đã kết nạp được 1 đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Quá trình ra đời, đấu tranh và tồn tại của chi bộ Gia Thạnh tuy không được bao lâu, song cán bộ, đảng viên, cơ sở cốt cán của cách mạng đã nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoạt động của chi bộ đã thu hút được đông đảo nhân dân các dân tộc tham gia kháng chiến, xây dựng vùng Gia Thạnh trở thành bàn đạp để phát triển phong trào cách mạng kháng chiến trong vùng. Vai trò, vị trí và sự đóng góp của chi bộ Gia Thạnh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc huyện Chiến Đấu. Đó là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở huyện Chiến Đấu, nay là huyện Dức Trọng và huyện Lâm Hà.
Tháng 10 năm 1950 Hội nghị hợp nhất 2 tỉnh lâm Viên và Đồng Nai thượng tại vùng Ô Rô thuộc chiến khu Lê Hồng Phong (Bình Thuận) để thành lập tỉnh Lâm Đồng. Sau hội nghị, Ban cán sự tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng, sắp xếp, củng cố đội vũ trang tuyên truyền và thành lập 6 đội vũ trang tuyên truyền, biên chế mỗi đội từ 20 đến 30 chiến sĩ, được phân công hoạt động trên các địa bàn, đội thứ 3 tiến lên hướng Tây Bắc Đà Lạt, Liên Khàng, Đinh Văn, La Ba và bắt liên lạc với Đắc Lắc.
Cuối năm 1951, Ban cán sự Đảng Cực Nam thực hiện chủ trương chuyển hướng phương châm, phương thức hoạt động với chiến trường Lâm Đồng, với phương châm “Kiên trì vận động cách mạng, tiếp tục gây cơ sở”, giải tán các đội vũ trang để thành lập các đội xây dựng cơ sở hoạt động sâu trong vùng đồng bào dân tộc. Giữa năm 1952, tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Liên khu V, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã trao tặng cờ danh dự cho đội công tác La Ba với dòng chữ “Kiên trì bám cơ sở, mở rộng phong trào vận động cách mạng trong đồng bào dân tộc”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi nhưng nước ta tạm thời chia làm 2 miền: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ cách mạng, cuối năm 1954, Ban cán sự Đảng Cực Nam bố trí một số cán bộ trở lại Đà Lạt hoạt động để móc nối lại những cơ sở cách mạng trong nội ô và vùng ven, từ đó tạo bàn đạp bắt liên lạc và khôi phục lại phong trào ở La Ba (Phú Sơn), Đạ Prết.
Tháng 1-1959, sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II), nhiệm vụ nối thông đường hành lang chiến lược càng trở nên cấp bách. Đây là con đường huyết mạch tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, từ cuối năm 1959. Trung ương và Liên Khu uỷ V tăng cường lực lượng, giao cho Liên tỉnh 3, Liên tỉnh 4 tổ chức các đội vũ trang công tác làm nhiệm vụ mở mảng, mở vùng, hình thành và nối thông đường hành lang chiến lược. Đến giữa năm 1961, vùng giải phóng của tỉnh Tuyên Đức được mở ra từ phía Đông huyện Lạc Dương lên đến Đầm Ròn và phía Tây Bắc huyện Đức Trọng (vùng đất Lâm Hà ngày nay). Các đội vũ trang công tác mở phong trào đến đâu đều tiến hành xây dựng cơ sở cốt cán, thành lập Ban nhân dân tự quản, các tổ chức quần chúng và xây dựng lực lượng du kích ở buôn, xã. Trên vùng đất Lâm Hà đã xây dựng được nhiều cơ sở cốt cán như chị K’Hen, K’Cúc, Ma Ớt, Bập Chai, K’Oanh … Nhờ vậy, sau khi nối thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, ta đã huy động được sức người, sức của phục vụ kháng chiến.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Tuyên Đức và Huyện uỷ Đức Trọng, các đội công tác đã nhanh chóng phát triển cơ sở, mở rộng phong trào trên các địa bàn Phi Sua, K’riông Thô và dọc đường 21 Bis từ Phi Sơ Rol đến Liên Hung. Tuy nhiên, do lực lượng của ta ít, hoạt động trên một địa bàn rộng nên không đủ sức đối phó với âm mưu dồn dân lấp ấp chiến lươc của địch. Đến đầu năm 1963 địch đã dồn hết số dân vùng ta kiểm soát vào các khu tập trung, ấp chiến lược.
Năm 1964, Huyện uỷ Đức Trọng tiếp tục củng cố các đội công tác làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, vận động đồng bào nổi dậy phá khu tập trung, ấp chiến lược. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đội công tác đã xây dựng cơ sở ở Sở Ngo, ấp chiến lược Đạ Prết, Phú Mỹ (Phú Sơn), An Phước, đồng thời đẩy mạnh diệt ác, trừ gian, hỗ trợ đồng bào ở các ấp chiến lược P’Teng, Dăm Pao, Đạ Prết đấu tranh đòi trở về buôn làng cũ.
Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Ở Lâm Hà, địch tăng cường lực lượng chốt giữ các vị trí quan trọng, tiến hành các cuộc hành quân càn quét, tiếp tục gom dân vào khu tập trung RLơm, B’Nông rết. Tại Phi Liêng, đại đội biệt kích hoạt động ráo riết gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất.
Cuối năm 1965 Tỉnh uỷ Tuyên Đức quyết định chuyển các cơ quan, đơn vị của tỉnh từ phía Đông huyện Lạc Dương sang xây dựng căn cứ phía Tây Bắc huyện Đức Trọng (nay thuộc huyện Lâm Hà). Trên địa bàn Lâm Hà, các đội công tác phối hợp với lực lượng vũ trang vừa đẩy mạnh hoạt động vũ trang, vừa hỗ trợ đồng bào đấu tranh phá các ấp chiến lược P’teng, Hoạt, Phi Sua A, B, K’riông Thô … Qua hoạt động mở mảng, mở vùng, phong trào cách mạng địa phương đã có nhiều chuyển biến, cơ sở bên trong phát triển rộng khắp.
Năm 1966 đã kết nạp được 6 đảng viên hoạt động bên trong, thành lập chi bộ Đảng ở Gia Thạnh, do đồng chí Ngọc làm Bí thư và chi bộ Đạ Prết do chị K’Xệp làm Bí thư. Tại Gia Thạnh, Phú Sơn, Hội phụ nữ giải phóng được thành lập, chị em đã tích cực tham gia công tác binh vận, tiếp tế lương thực và những mặt hàng thiết yếu cho lực lượng bên ngoài, đồng thời vận động thanh niên thoát ly tham gia cách mạng.
Từ năm 1969, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm rút dần quân Mỹ về nước mà vẫn duy trì được chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng tiến hành các kế hoạch bình định, coi đó là “trụ cột”, là “xương sống” của “ Việt Nam hóa chiến tranh”.
Nằm trong kế hoạch chiến lược chung, địch tiến hành bình định có trọng điểm ở Gia Thạnh, Co Hia, Ngọc Sơn, Lạc Sơn và tiếp tục dồn dân ở một số nơi và khu tập trung Dăm Pao. Mặt khác, chúng liên tục tiến hành các cuộc hành quân càn quét, cho máy bay ném bom vào các căn cứ và khu vực sản xuất của ta. Trước tình hình đó, các đội công tác phối hợp với các đơn vị vũ trang kiên trì bám trụ đánh địch ở nhiều địa bàn, làm suy yếu bộ máy kèm ở cơ sở, hỗ trợ nhân dân đấu tranh chống địch cài mìn quanh ấp, đòi bồi thường thiệt hại do chúng gây ra. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ấp Co Hia đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.
Sau khi hiệp định Pari được ký kết, Mỹ - Ngụy vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên địa bàn huyện Lâm Hà, địch đẩy mạnh hoạt động đánh phá, lấn chiếm vùng ta làm chủ. Tuy tình hình địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị vũ trang vừa hoạt động đánh địch, vừa tích cực xây dựng cơ sở, hỗ trợ quần chúng đấu tranh chính trị và làm công tác binh vận.
Đầu năm 1975, tình hình trên các chiến trường có nhiều chuyển biến quan trọng, xuất hiện nhiều khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, theo kế hoạch phối hợp hoạt động, nhiệm vụ của quân và dân trên địa bàn Lâm Hà là tập trung lực lượng giải phóng mảng đường 21 Bis từ Đạ Me lên Phú Sơn, tạo bàn đạp đưa lực lượng chủ lực về giải phóng Đà Lạt - Tuyên Đức. Nhưng do tình hình chiến trường diễn biến nhanh chóng nên từ đêm 31- 3- 1975, quân địch ở Tuyên Đức rút chạy và ngày 2- 4- 1975, huyện Đức Trọng hoàn toàn được giải phóng.
Sau khi quân địch tan rã, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu 6, Ủy ban quân quản huyện Đức Trọng được thành lập do đồng chí Nguyễn Xuân Khanh, Phó Ban Binh vận Khu 6 làm Chủ tịch. Ủy ban đã tổ chức mít tinh công bố danh sách 10 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vận động nhân dân nhanh chóng ổn định trật tự, đời sống, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện chính quyền cách mạng.
Trải qua 30 năm cùng cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc vùng đất Lâm Hà ngày nay đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những truyền thống quý báu trên đây mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lâm Hà.
Phần thứ nhất
THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI, BẢO VỆ THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG TẠO TIỀN ĐỀ CHO VIỆC RA ĐỜI HUYỆN LÂM HÀ (1975-1987)
Chương I
XÂY DỰNG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN, ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC TỔ CHỨC PHẢN CÁCH MẠNG GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ VÀ TỪNG BƯỚC KHÔI PHỤC SẢN XUẤT ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
1. Xây dựng chính quyền, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, nhân dân các dân tộc vùng đất Lâm Hà cùng với cả nước bước sang một giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày giải phóng, cũng như nhiều địa bàn khác của tỉnh Lâm Đồng, vùng đất Lâm Hà có nhiều thuận lợi cơ bản, song cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh – quốc phòng.
Về thuận lợi, nhân dân các dân tộc có tinh thần yêu nước, cần cù lao động, mong muốn được sống trong độc lập, tự do.Vì vậy, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một luồng sinh khí mới tạo không khí vui tươi, phấn khởi khi bước vào xây dựng cuộc sống mới.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Đây là lực lượng nồng cốt lãnh đạo nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tại địa phương.
Vùng đất Lâm Hà có khí hậu ôn hoà, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, bước đầu đã hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày ở Phú Sơn, Đạ Đờn, vùng lúa nước ở Đinh Văn và một phần Đạ Đờn. Những tiềm năng thế mạnh trên khi được phát huy sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế ở địa phương.
Về khó khăn: Sau ngày giải phóng, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở được thành lập, nhưng đội ngũ cán bộ thiếu, chưa có kinh nghiệm lãnh đạo, nhất là trên lĩnh vực kinh tế.
Ở các địa bàn trên vùng đất Lâm Hà, có một số tên nguỵ quân, nguỵ quyền ngoan cố đã cấu kết với các đảng phái phản động hoặc đội lốt tôn giáo chống phá cách mạng. Bên cạnh đó, lực lượng FULRO hoạt động ráo riết làm cho tình hình an ninh chính trị của địa phương càng trở nên phức tạp.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, trước ngày giải phóng, nền kinh tế vùng đất Lâm Hà phát triển thiếu toàn diện, sản xuất độc canh, phụ thuộc vào thiên nhiên, nên năng suất thấp, thường xuyên thiếu lương thực; hệ thống thuỷ lợi, đường giao thông ít được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; trình độ dân trí thấp, các hủ tục mê tín dị đoan, phong tục tập quán lạc hậu còn khá phổ biến, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Những thuận lợi khó khăn trên đây đã đặt ra cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương hết sức nặng nề, trong đó trọng tâm là: Xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng; từng bước ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề FULRO, trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm thực hiện phương hướng nhiệm vụ mà Đảng bộ lâm thời tỉnh Lâm Đồng đề ra là: Phải đề cao cảnh giác, phải xây dựng và củng cố vững chắc công cụ chuyên chính của mình, kiên quyết trấn áp lực lượng phản cách mạng, đặc biệt là coi trọng công tác phát động quần chúng, trên cơ sở nâng cao giác ngộ giai cấp và ý thức làm chủ của họ mà từng bước củng cố hệ thống chuyên chính cách mạng (trước hết là ở cơ sở, vùng dân tộc, tôn giáo) dựa vào đó mà củng cố an ninh trật tự, đồng thời động viên cao trào lao động sản xuất, tham gia khôi phục phát triển kinh tế, văn hoá, tăng cường khối liên minh công nông, tăng cường đoàn kết các dân tộc, lấy vấn đề đẩy mạnh sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân làm nhiệm vụ trung tâm, phát động tư tưởng cách mạng của quần chúng và xây dựng nội bộ là then chốt để tạo ra sự chuyển biến mới về mọi mặt nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 24 của Trung ương.
Sau ngày quê hương được giải phóng, Uỷ ban quân quản của huyện Đức Trọng chỉ đạo các nội dung công tác khẩn trương tiếp quản các địa bàn, thành lập chính quyền cách mạng ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ từ nhiều nguồn, chưa được đào tạo, chưa có kinh nghiệm lãnh đạo chính quyền. Vì vậy, huyện đã mở các lớp bồi dưỡng cán bộ và cốt cán cơ sở về công tác phát động quần chúng; lập các tổ, đội công tác xuống các xã, ấp để xây dựng chính quyền cách mạng, bám dân để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng, mặt trận, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn FULRO và những phần tử đội lốt tôn giáo; vận động đồng bào kêu gọi chồng, con, em rời bỏ hàng ngũ FULRO trở về với gia đình. Đến cuối năm 1975, chính quyền cách mạng và các đoàn thể ở các xã được xây dựng, củng cố, phát huy được vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Tuy nhiên, do tình hình hình còn nhiều khó khăn, phức tạp nên bọn phản động và lực lượng FULRO đã ngấm ngầm cài cấy người vào các cơ quan, bộ máy chính quyền để chống phá ta từ trong nội bộ. Vì vậy, việc gấp rút tăng cường công tác xây dựng chính quyền, đảm bảo trong sạch về chính trị, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện mọi mặt công tác trong lúc này càng được đặc biệt quan tâm.
Năm 1977, thông qua các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp từng bước được kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả, đội ngũ cán bộ thôn ấp được củng cố. Mặt khác, huyện tiếp tục tăng cường cán bộ cho các xã, cử các đoàn cán bộ đi xây dựng phong trào ở các buôn ấp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tổ chức Đảng ở các xã Phú Sơn, Đạ Đờn nhiều năm liền đạt loại khá.
Thực hiện nhiệm vụ kinh tế gắn với an ninh quốc phòng, xây dựng thế phòng thủ chiến lược, đồng thời với việc thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng triển khai kế hoạch đưa dân vào xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Đức Trọng, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã có chủ trương dãn dân xây dựng các vùng kinh tế mới, định canh, định cư vùng dân tộc thiểu số. Ở huyên Đức Trọng ta vừa tiếp nhận đồng bào từ các tỉnh miền Trung, thành phố Đà Lạt, vừa dãn dân ở Tùng Nghĩa, Liên Hiệp, Bình Thạnh đến xây dựng kinh tế mới ở Đinh Văn, Tân Văn, Đạ Đờn, Phi Tô… đồng thời tiến hành định canh, định cư ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 1980, các vùng kinh tế mới này đã khai hoang trên 1000 ha đất canh tác, đời sống nhân dân từng bưóc được ổn định, không còn tình trạng phải cứu đói. Ở các vùng dân tộc thiểu số, đồng bào đã dần làm quen với việc trồng lúa nước, đưa giống mới vào sản xuất, dùng trâu bò để cày kéo; các phong tục tập quán lạc hậu ngày càng được hạn chế; mối quan hệ giữa đồng bào kinh tế mới với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngày càng được gắn bó hơn.
Là một vùng giàu tiềm năng, nhưng trước năm 1975 vùng đất Lâm Hà phát triển kinh tế rất chậm. Vì vậy, sau ngày giải phóng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là khôi phục và phát triển kinh tế, giải quyết cơ bản vấn đề lương thực. Tháng 7 và 8 năm 1975, thiếu đói nghiêm trọng diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vùng dân tộc thiểu số, Uỷ ban quân quản các cấp đã tổ chức tiếp tế lương thực, cung cấp những mặt hàng thiết yếu, thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Mặt khác, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, khai hoang, phục hoá mở rộng diện tích, làm thuỷ lợi, chỉ tính riêng ở xã Phú Sơn đã khai hoang trên 320 ha. Cuộc vận động này đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị.
Trong cải tạo quan hệ sản xuất mới, bước đầu phát huy quyền làm chủ của người lao động, từng bước giải quyết công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức. Mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trên các lĩnh vực phục vụ nông nghiệp, vấn đề lương thực, tín dụng, giá cả, cung cấp nhiên liệu, hàng tiêu dùng; mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức đoàn thể, về chính sách tiền lương và chế độ lao động từng bước được xây dựng.
Năm 1977, Huyện Đức Trọng tiến hành quy hoạch các vùng kinh tế, trong đó vùng Đinh Văn, Tân Văn và một phần Đạ Đờn chủ yếu làm lúa nước, phấn đấu đạt 4 đến 5 tấn/năm; vùng Phú Sơn phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, trà. Đến năm 1985, bắt đầu thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế vườn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến trong phong trào trồng cà phê.
Song song với việc đẩy mạnh khai hoang, phục hoá, mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, công tác thuỷ lợi cũng được đặc biệt coi trọng, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Lâm Đồng nêu ra tại nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ lâm thời(tháng 3-1976): “phương hướng lâu dài là thuỷ lợi hoá toàn bộ diện tích cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp, trước mắt là giải quyết đủ nước tưới cho ruộng nước, biến đất một vụ thành hai vụ. Trong thuỷ lợi cần huy động sức dân, lấy thuỷ nông là chính”, thực hiện chủ trương đó từ năm 1976 Lâm Hà tiến hành làm thuỷ lợi nhỏ, ngăn đập trên một số con suối lấy nước tưới cho hoa màu. Tháng 8 năm 1977, công trình thuỷ lợi Đạ Đờn được khởi công xây dựng với tổng số vốn đầu tư 12 triệu đồng, bảo đảm đủ nước tưới cho trên 1800 ha lúa nước và hoa màu ở các xã Đạ Đờn, Đinh Văn, Tân Văn, Bình Thạnh (Đức Trọng). Đây là vùng trọng điểm lúa của huyện Đức Trọng trước đây và của huyện Lâm Hà hiện nay.
Trong quá trình cải tạo, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 3(Khoá III), ngày 25-9-1983, với tinh thần chỉ đạo là trong khi tập trung giải quyết những yêu cầu chủ yếu trên mặt trận phân phối lưu thông, đồng thời chú ý triển khai một số vấn đề cấp bách trên mặt trận sản xuất.
Về nông nghiệp, tận dụng lao động và đất đai, giống cây trồng cho vụ Đông-Xuân và Hè-Thu 1983-1984. Về lâm nghiệp, tăng cường công tác bảo vệ rừng, hoãn các hợp đồng khai thác gỗ ngoài kế hoạch. Tiếp tục khảo sát cùng với các huyện, thành phố, các ngành liên quan để xây dựng phương án sắp xếp lại các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Củng cố các cơ sở kinh tế quốc doanh; gắn công tác cải tạo thương nghiệp và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ cấp bách về phân phối lưu thông. Đẩy mạnh xuất khẩu gắn với trồng cây công nghiệp ngắn ngày, khai thác lâm sản và chế biến trà, cà phê. Củng cố ngành du lịch phục vụ khách nội địa và chuẩn bị đón khách nước ngoài.
Năm 1987, Lâm Hà đã tổ chức các tổ vần đổi công, tổ đoàn kết sản xuất, hình thành hợp tác xã nông nghiệp. Có những nơi do bị bọn FULRO hù doạ, khống chế nên quần chúng không dám vào làm ăn tập thể, nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều người đã tự nguyện xin vào. Ở Phú Sơn, Đạ Đờn có trên 90% số hộ vào tập thể, nhiều gia đình có thu nhập khá. Trong quá trình tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp, có nhiều đơn vị làm ăn có hiệu quả, đời sống nhân dân được cải thiện. Các xã đều có hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng gắn với hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên, do năng lực điều hành, quản lý lao động, công tác tài chính kế hoạch của Ban chủ nhiệm, Ban quản lý các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất còn yếu kém nên hoạt động của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất ngày càng kém hiệu quả.
Cùng với việc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội cũng được quan tâm đúng mức.
Về giáo dục, Ngành giáo dục đã cố gắng khôi phục cơ sở vật chất, sắp xếp, tăng cường và tổ chức lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Bộ máy tổ chức và công tác quản lý tuy còn nhiều hạn chế nhưng với quyết tâm khắc phục khó khăn để đưa nội dung, chương trình giáo dục cách mạng vào các trường học, từng bước xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nội dung giáo dục trong điều kiện mới.
Các địa phương đầu tư kinh phí để xây dựng trường lớp, mở thêm các lớp bổ túc văn hoá, xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi đi học. Năm 1977, xây dựng thêm một số trường ở các vùng kinh tế mới, vùng dân tộc thiểu số. Năm 1985, xây dựng trường cấp II và III tại Đinh Văn. Nhìn chung qua các năm học số học sinh đều tăng, số người học bổ túc văn hoá và được công nhận xoá mù chữ ngày càng nhiều.
Về y tế, chú trọng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, ngăn chặn và dập tắt các dịch bệnh, thực hiện các chương trình quốc gia như phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng… Ở các xã trên vùng đất Lâm Hà đều có trạm y tế, chi hội chữ thập đỏ và một phân viện ở Dămpao.
Về lĩnh vực văn hoá, tích cực đấu tranh ngăn chặn các loại văn hoá phẩm đồi truỵ, phản động độc hại. Hệ thống thông tin văn hoá các cấp triển khai hoạt động. Công tác tuyên truyền, văn nghệ, thu hút nhiều tầng lớp cùng tham gia, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới trong các tầng lớp nhân dân; cổ vũ động viên mọi người vượt qua khó khăn gian khổ, tích cực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
Tất cả các xã đều có các trạm truyền thanh, đội văn nghệ quần chúng phục vụ đồng bào, nhất là ở các vùng kinh tế mới và đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 1983, đội văn nghệ hợp tác xã Đạ prết tham gia liên hoan ca nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng, nhiều tiết mục được tặng huy chương và Viện nghiên cứu âm nhạc tặng bằng khen.
Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở các địa bàn trên vùng đất Lâm Hà đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, đồng thời có tác dụng tích cực trong việc tuyên truyền, vận động và giải quyết vấn đề FULRO, nhằm đẩy mạnh quá trình thực hiện chủ trương xây dựng các vùng kinh tế mới và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng.
2. Đấu tranh chống các tổ chức phản động, giữ vững an ninh quốc phòng.
Sau ngày miền nam được giải phóng, bọn phản động trong số nguỵ quân, nguỵ quyền, những tên đội lốt tôn giáo, các đảng phái đã móc nối, cấu kết với bọn đầu sỏ của tổ chức FULRO thực hiện nhiều âm mưu thủ, đoạn nhằm lật đổ chính quyền, phá hoại những thành quả mà Đảng và nhân dân ta mới giành được.
Đi đôi với luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng, bọn phản động còn dụ dỗ, lừa phỉnh, khổng chế uy hiếp quần chúng, lôi kéo thanh niên vào các tổ chưc phản động. Mặt khác, chúng đưa người tham gia vào bộ máy chính quyền cơ sở, khủng bố cán bộ cơ sở cốt cán của ta. Đối với tổ chức FULRO, hoạt động của chúng có thể chia làm các giai đoạn:
Từ tháng 4 đến tháng 12-1975, tranh thủ thời cơ chính quyền cách mạng chưa được củng cố, chúng dùng lực lượng vũ trang nhằm thực hiện âm mưu cướp chính quyền, đòi quyền tự trị. Từ năm 1976 đến 1980, sau thất bại về hoạt động vũ trang, chúng đi sâu củng cố lực lượng bên trong và bên ngoài, đồng thời cấu kết với bọn phản động để gây thanh thế cho đồng bọn, lừa bịp đồng bào và chuẩn bị gây bạo loạn lật đổ.
Từ năm 1981-1985, chúng tiếp tục duy trì lực lượng, củng cố hệ thống tổ chức bên trong, đẩy mạnh hoạt động hợp pháp, tạo chính quyền hai mặt ở cơ sở.
Trên địa bàn của vùng đất Lâm Hà lực lượng FULRO hoạt động ráo riết cả bên trong và bên ngoài, có một số vụ điển hình như: ngày 5-4-1975, tập kích đội công tác ở Nam Ban, đồng chí Bập Chai - Thường vụ huyện uỷ Đức Trọng và đồng chí K' Bang hy sinh, đồng chí Gòn – cán bộ Huyện đội Đức Trọng bị phục kích hy sinh tại dốc Phi Tô. Cuối năm 1978, chúng tập kích vào trụ sở xã Phú Sơn, đốt hợp tác xã mua bán. Đêm 23-12-1979, chúng tập kích vào trụ sở xã Đạ Đờn, đêm 2-2-1980, chúng tập kích vào đơn vị 810 đóng ở Tân Văn và tập kích vào xã Phi Tô…
Từ năm 1981 hoạt động của FULRO càng phức tạp hơn, chúng tăng cường hoạt động vũ trang ở các địa bàn chính, chỉ đạo bọn nằm vùng bên trong kết hợp với lực lượng vũ trang bên ngoài vừa gây áp lực vừa lừa bịp để thực hiện kế hoạch lôi kéo, bắt thanh niên một cách ồ ạt, chỉ tính tủ ngày 22 đến ngày 28-2-1981, toàn tỉnh Lâm Đồng chúng đã lôi kéo được trên 1200 thanh niên ra rừng để đưa sang Campuchia huấn luyện, trong đó có trên 800 thanh niên ở các xã vùng Lâm Hà. Trong thời gian này chúng còn tăng cường đột nhập vào các buôn ấp cướp tài sản, gây hoang mang trong nhân dân. Bọn nằm vùng bên trong ráo riết hoạt động tuyên truyền, liên lạc, tiếp tế, mua sắm đồ đạc, thuốc men đưa ra ngoài làm cho tình hình ở các xã Phú Sơn, Đạ Đờn, Phi Tô, Đinh Văn càng thêm phức tạp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 7 (Khoá III) ra Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10-3-1984, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 1984-1985 và những năm tới của tỉnh. Những công tác lớn và biện pháp chính được xác định là:
Tăng cường cảnh giác, động viên sức mạnh tổng hợp của nền chuyên chính vô sản, kiên quyết đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, trước hết tập trung cơ bản giải quyết vấn đề FULRO; xây dựng thực lực cách mạng, ổn định đời sống nhân dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Ra sức củng cố quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương. Xây dựng tuyến phòng thủ sẵn sàng chiến đấu chống địch xâm nhập từ bên ngoài vào. Xây dựng huyện thành pháo đài quân sự, buôn làng thôn xã chiến đấu, xí nghiệp nông lâm trường chiến đấu, cụm chiến đấu; xây dựng hậu phương trực tiếp và hậu cần địa phương.
Xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổng hợp các lực lượng vũ trang. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong sạch vững mạnh và rộng khắp. Nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội địa phương, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, củng cố trường quân sự địa phương.
Xác định rõ âm mưu của tổ chức phản động FULRO, các cấp uỷ Đảng kịp thời có những chủ trương đúng đắn, đẩy mạnh phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường lực lượng truy quét FULRO. Các cấp từ tỉnh đến huyện, xã triển khai nhiều đợt học tập, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, cán bộ cốt cán ở cơ sở Chỉ thị 64-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá IV) về tiếp tục phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO; đồng thời tăng cường cán bộ về tận cơ sở làm công tác dân vận, phát động quần chúng, vạch rõ âm mưu, tội ác của bọn FULRO và các tổ chức phản động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng. Thông qua các đợt học tập, nhận thức của đồng bào được nâng lên, quần chúng đã mạnh dạn cung cấp nhiều thông tin có giá trị và kịp thời phát hiện âm mưu hoạt động chống phá cách mạng của địch.
Nhờ làm tốt công tác dân vận và dựa vào già làng nên công tác tuyên truyền vận động quần chúng bước đầu có kết quả, hàng chục tên FULRO bỏ hàng ngũ trở về vời gia đình. Đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang tích cực truy quét, tấn công bọn FULRO còn lấn trốn ngoài rừng.
Trên cơ sở quán triệt chỉ thị 04 (tháng 2-1977) của Ban bí thư Trung ương Đảng (Khoá IV) "về tiếp tục phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, bảo vệ an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam khu V", Tỉnh ủy Lâm Đồng tập trung chỉ đạo công tác phát động, xây dựng thực lực cơ sở, truy quét FULRO theo phương châm "lấy vận động chính trị làm gốc, lấy kinh tế đời sống làm cơ bản, lấy tấn công quân sự làm tan rã lực lượng FULRO là vấn đề cấp bách trước mắt".
Với phương châm đó, từ năm 1977 đến năm 1983 phối hợp với công tác tuyên truyền vận động quần chúng, các cấp uỷ Đảng tập trung lãnh đạo nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động vũ trang, bán vũ trang, phối hợp với lực lượng an ninh vừa truy quét bên ngoài, vừa bóc gỡ các tổ chức phản động bên trong, đồng thời củng cố, xây dựng chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở ta đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng, làm tan rã phần lớn lực lượng bên ngoài, bóc gỡ số bên trong, nội bộ chúng ngày càng phân hoá sâu sắc. Trong nhiệm vụ truy quét FULRO nhiều đồng chí đã không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí K' Tói- Phó công an xã Đinh Văn khi được tin bọn FULRO đột nhập vào xã khủng bố nhân dân, đồng chí đã nhanh chóng huy động lực lượng công an thôn, du kích xã chiến đấu, do lực lượng quân địch đông hơn, đồng chí đã bị bắt, bị đánh đập buộc phải làm việc cho chúng, nhưng đồng chí vấn kiên quyết từ chối. Sau nhiều ngày bị tra tân dã man, đồng chí K' Tói đã anh dũng hy sinh để lại trong lòng đồng bào, đồng chí sự cảm phục và lòng tiếc thương vô hạn. Đồng chí Ha Sương – Trung đội trưởng dân quân Đạ Đờn đã tham gia nhiều trận đánh tiêu diệt và bắt sống bọn FULRO, đêm 23-12-1979 đồng chí bị chúng giết hại.
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc được phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tổ chức cho quần chúng học tập sâu rộng các chính sách về tôn giáo, dân tộc, cải tạo và khoan hồng đối với bọn phản cách mạng. Ở Đạ Đờn, Đinh Văn thành lập tổ già làng đi sâu vào căn cứ gặp bọn FULRO để tuyên truyền đường lối, giải thích chính sách của cách mạng để vận động, kêu gọi quần chúng về hàng. Sau khi được học tập, nhận thức của quần chúng được nâng lên, nhiều người trước đây bị bon FULRO tuyên truyền, hù doạ, khống chế đã nhận làm việc bí mật ở bên trong nay tự đầu thủ với chính quyền cách mạng, có người còn vận động, giáo dục được hàng chục người ra đầu thú. Từ thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng đã lựa chọn, bồi dưỡng được nhiều cán bộ cơ sở, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ngày càng được củng cố.
Phát huy những kết quả đã giành được, đầu năm 1981 Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 08 về việc "Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, giải quyết vấn đề FULRO". Tỉnh xác định 10 xã trọng điểm, trong đó có Phú Sơn, Phi Tô, Đạ Đờn, Đinh Văn, Tân Văn, để tập trung chỉ đạo và tăng cường lực lượng vũ trang. Phát động, giác ngộ quần chúng, xây dựng kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng thực lực cách mạng và làm chuyển biến lực lượng ta, địch ở cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm (Lạc Dương, Đức Trọng), kết hợp với đấu tranh vũ trang, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một lực lượng quan trọng của FULRO, đẩy chúng vào thế bị động và tiếp tục suy yếu, làm thất bại một bước âm mưu của kẻ thù nhằm chống phá công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương.
Ngày 12-5-1983, Tỉnh uỷ ra Nghị quyết số 01-NQ/TU về chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù. Nghị quyết xác định công tác trọng tâm hàng đầu là đấu tranh giải quyết cơ bản FULRO, xây dựng toàn diện vùng dân tộc thiểu số; lấy phát động quần chúng đứng lên làm chủ, xây dựng và bảo vệ buôn làng, xây dựng thực lực cách mạng là chính, kết hợp với đẩy mạnh hoạt động lực lượng vũ trang, truy quét địch. Gắn nhiệm vụ giải quyết FULRO với xây dựng, tạo sự chuyển biến toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Thực hiện chủ trương trên, trong quá trình giải quyết vấn đề FULRO đã có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, vừa đẩy mạnh hoạt động vũ trang, vận động quần chúng tấn công địch, bóc gỡ cơ sở nằm vùng, vừa xây dựng thực lực cách mạng , xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ. Nhờ triển khai lực lượng đồng bộ, tạo thành thế chiến lược quan trọng cả bên trong và bên ngoài nên địch bị chia cắt, phân tán, lực lượng bị tổn thất, mất căn cứ, tổ chức rệu rã, nội bộ mâu thuẫn.
Đi đôi với tấn công quân sự, việc thực hiện chính sách dân tộc đã có tác dụng lớn trong công tác tấn công chính trị vào hàng ngũ địch và là yếu tố thuận lợi cho công tác phát động quần chúng. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở đã thực sự phát huy vai trò lãnh đạo quần chúng, tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng, chăm lo đời sống nhân dân.
Năm 1985, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 11 NQ/TU "về việc giải quyết cơ bản vấn đề FULRO gắn với xây dựng toàn diện vùng dân tộc". Tỉnh uỷ chủ trương các cấp uỷ huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện, dứt điểm FULRO ở xã, thôn, ấp trọng điểm còn FULRO hoạt động. Chi bộ và chính quyền xã giữ vai trò quyết định giải quyết FULRO. Lực lượng công an-quân sự của tỉnh hỗ trợ biện pháp nghiệp vụ và theo dõi, chỉ đạo đối với huyện, thành phố, địa bàn trọng điểm vẫn là huyện Lạc Dương, Đức Trọng. Tiếp tục củng cố chi bộ, chính quyền, đoàn thể các xã, thôn và phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây là một nghị quyết quan trọng có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành đã giành được những thắng lợi quan trọng. Ở các xã trọng điểm như Đinh Văn, Tân Văn, Đạ Đờn, Phi Tô vừa tập tủng phát triển kinh tế, vừa tổ chức họp già làng, tổ chức học tập cho số FULRO về hàng và số nằm vùng đã vị vô hiệu hoá, tổ chức cho toán K'Gen (buôn Chi Rong Tam Po), Ha Poh (buôn Pang Bung-B'Nông Rết) về hàng đi tuyên truyền ở một số vùng.
Vấn đề phát động quần chúng truy quét FULRO thực chất là một cuộc vận động chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng tại chỗ. Qua phát động, xây dựng, đồng bào dân tộc đã thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, một số đã mạnh dạn đấu tranh trực diện với FULRO, kêu gọi chồng, con, em trở về, vận động số về hàng, khai báo số nằm vùng để ta bóc gỡ. Những kết quả đạt được trên đây có vai trò nòng cốt của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và những già làng tiến bộ. Với thành tích xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, quân và dân xã Đạ Đờn đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.
Năm 1986, trên vùng đất Lâm Hà, vấn đề FULRO cơ bản được giải quyết, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tương đối ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện.
Ngày 28-11-1987, Tỉnh uỷ mở Hội nghị tổng kết 12 năm đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO. Hội nghị nhất trí đánh giá: Kết quả đấu tranh giải quyết cơ bản vấn đề FULRO trên phạm vi toàn tỉnh là thắng lợi có ý nghĩa chính trị hết sức lớn lao đối với địa bàn Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, từ đó tăng cường khối đoàn kết dân tộc, củng cổ niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, yên tâm làm ăn, tích cực tham gia xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, văn hoá-xã hội. Góp phần đem lại sắc thái mới, tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Hội nghị rút ra bài học kinh nghiệm từ trong đấu tranh và tiếp tục bước vào nhiệm vụ củng cố, xây dựng toàn diện vùng đồng bào dân tộc, những bài học kinh nghiệm đó là :
- Phải nắm vững quan điểm, chính sách dân tộc và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, vận dụng sáng tạo và giải quyết tốt mối quan hệ giữa vấn đề chính trị với vấn đề kinh tế, đời sống của đồng bào dân tộc, từ đó mà giải quyết vấn đề FULRO .
- Phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp vũ trang, vận động quần chúng tấn công chính trị với các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an trên cơ sở lấy dân làm gốc để tổ chức và huy động đồng bộ các lực lượng, ban ngành, đoàn thể cùng tham gia, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương.
- Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán người dân tộc có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực để điều hành công việc tại cơ sở và vận động quần chúng tham gia phong trào cách mạng.
Chương II
NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP VÀ THÀNH QUẢ XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI HÀ NỘI TẠI LÂM ĐỒNG( 1975-1987 )
1. Chủ trương và giải pháp xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng:
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa dân tộc ta bước sang một thời kỳ mới. Thời kỳ cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất, cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một vấn đề lớn mang tính quy luật phổ biến đối với mọi nền kinh tế từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như nước ta đều phải tiến hành phân bố lại lao động và dân cư một cách hợp lý, sâu rộng từ cơ sở đến khắp các địa bàn trên cả nước…
Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), tiếp đến nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và hội nghị Trung ương 2 (khóa IV) bàn về nông nghiệp… đã khẳng định việc phải phân bổ lại lao động và dân cư trên địa bàn cả nước, xây dựng các vùng kinh tế mới để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.
Khi đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà đã mở ra những địa bàn mới, tạo điều kiện để Hà Nội đưa dân đi xây dựng Vùng kinh tế mới với quy mô lớn, yêu cầu cao và giải pháp đồng bộ hơn, đòi hỏi phải có bước đi, cách làm phù hợp.
Ngày 04-11-1975, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng và Thường trực Hội đồng Chính phủ, Ban kinh tế mới Thành phố do đồng chí Trần Duy Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội dẫn đầu vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng, sơ bộ khảo sát địa bàn.
Ngày 17-12-1975, Thường vụ Thành ủy Hà nội ra thông báo số 154-TB/ĐBHN về quyết định xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội ở Tuyên Đức – Lâm Đồng.
Ngày 17- 01-1976, Ban Thường vụ Thành ủy họp, nghe báo cáo bổ sung tình hình và dự án của Uỷ ban nhân dân Thành phố, quyết định mở cuộc vận động nhân dân Hà Nội đi xây dựng Vùng kinh tế mới ở Tuyên Đức – Lâm Đồng. Hội nghị nêu rõ các chủ trương, biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc vận động, đề ra các chính sách cụ thể
Tháng 02 năm 1976, Đoàn cán bộ gồm 106 đồng chí của Ban vùng kinh tế mới và các ngành của Thành phố vào Lâm Đồng triển khai chuẩn bị đón lao động tiền trạm, sắp xếp tổ chức, xây dựng kế hoạch năm 1976, công bố quyết định thành lập Đảng bộ và quyết định chương trình hành động thực hiện 3 mục tiêu theo tinh thần chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy là: Vừa quy hoạch vừa xây dựng, vừa khai hoang sản xuất thử, không chờ đợi có đủ điều kiện rồi mới làm.
Ngày 16- 03- 1976, Thường vụ Thành ủy, Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Lâm Đồng và Thường vụ Thành ủy, Uỷ ban nhân dân hành chính Thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc hội nghị bàn chủ trương, phương hướng, mục tiêu và kế hoạch năm 1976 về xây dựng Vùng kinh tế mới của Hà Nội tại Lâm Đồng. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Đỗ Quang Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Lê Thứ - Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Duy Dương - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân hành chính Thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Bảy - Thành ủy viên, Trưởng ban Vùng kinh tế mới và một số cán bộ phụ trách các ngành của hai địa phương.
Hội nghị đã quán triệt chủ trương của Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ về việc giao cho Hà Nội tổ chức đưa lao động vào xây dựng Vùng kinh tế mới tại tỉnh Lâm Đồng. Các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Lâm Đồng rất phấn khởi và hoàn toàn nhất trí, đồng thời thấy rõ trách nhiệm của mình phải cùng với Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ “Thực hiện một bước phân công lại lao động xã hội, khai thác khả năng đất đai, phát triển kinh tế, làm giàu cho Tổ quốc. Đảm bảo đời sống lâu dài cho nhân dân cả hai địa phương, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng, bảo vệ đất nước. Năm 1976, tiến hành xây dựng nhà ở, làm đường và chăm lo đời sống cho người lao động tạo điều kiện giúp cho mọi người yên tâm sản xuất và công tác ở vùng kinh tế mới”.
Thực hiện chủ trương trên, năm 1976. Thành phố đã chỉ đạo điểm khu phố Ba Đình và 22 xã thuộc 4 huyện ngoại thành để rút kinh nghiệm mở rộng ra 159 Tiểu khu, đường phố nội thành và 101 xã ngoại thành. Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thành phố và các khu, huyện đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, cùng Ban kinh tế mới, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp kiên trì tuyên truyền vận động, làm công tác cá biệt, giúp cán bộ, nhân dân nhận thức sâu sắc thêm tình hình, nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong giai đoạn cách mạng mới: “Vì lợi ích của việc xây dựng Thủ đô, đồng thời vì nhiệm vụ đóng góp xây dựng đất nước, cần đưa một bộ phận nhân lực của Thủ đô đi tham gia xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng và các vùng kinh tế mới của đất nước…”, “Đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là vinh dự và là lợi ích thiết thân của mọi cán bộ, đảng viên, công dân Thủ đô…”.
Nhờ đi sâu, đi sát, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng và những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức, vận động. Thường vụ Thành ủy, Ủy ban hành chính Thành phố đã có được những chủ trương, giải pháp phù hợp, có hiệu quả, thúc đẩy cuộc vận động phát triển đúng phương hướng, mục tiêu đề ra.
Trên cơ sở tTiến hành quy hoạch lại từng vùng sản xuất, các điểm dân cư theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trên mỗi địa bàn mà vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Khẳng định rõ, nhất quán mục đích là xây dựng một một vùng kinh tế - xã hội sản xuất hàng hóa lớn chứ không làm theo kiểu xen ghép, giãn dân đơn thuần, sản xuất tự cấp tự túc.
Việc đưa dân đi phải có địa bàn phù hợp và được chuẩn bị chu đáo cả về tinh thần và cơ sở vật chất. Người đi phải thật sự tự nguyện và có sức lao động, không gò ép mệnh lệnh, không đưa những hộ gia đình neo đơn, bệnh tật, có tiền án tiền sự vào vùng kinh tế mới. Tổ chức lực lượng lao động tiền trạm gồm những thanh niên trẻ, khoẻ, hăng hái nhiệt tình, biên chế thành các tổng đội như thanh niên xung phong đi trước làm nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, tạo điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng để đón dân đưa gia đình vào sớm ổn định sản xuất và đời sống. Phấn đấu khắc phục khó khăn, tổ chức tốt sản xuất và chăm lo đời sống văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự để đồng bào yên tâm gắn bó xây dựng quê hương mới lâu dài, sớm có mức sống bằng và hơn khi còn ở quê cũ.
Đề cao ý thức trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các ngành kinh tế - kỹ thuật của Thành phố, thực hiện tốt phương châm “San người, sẻ của”, “chịu trách nhiệm với dân đến cùng”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm; Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm” để đồng bào đến xây dựng vùng kinh tế mới đỡ khó khăn, sớm có đất sản xuất, có nhà ở, giao thông đi lại thuận tiện, có cơ sở chữa bệnh, học hành và sinh hoạt văn hóa…
Quyết tâm xây dựng Vùng kinh tế mới có nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ phát triển toàn diện; coi trọng cả kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và kinh tế hộ gia đình hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tiến hành xây dựng hai Tiểu vùng Nam Ban và Lán Tranh có tổng diện tích tự nhiên 42.600ha và giao cho Thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý toàn diện vùng kinh tế mới cho đến khi định hình sẽ giao lại để tỉnh Lâm Đồng quản lý hoặc hai địa phương cùng hợp tác đầu tư theo chủ trương chính sách chung của Đảng, Nhà nước.
Thành phố Hà Nội từng bước cụ thể hóa cho kế hoạch từng năm, từng vụ, chỉ đạo các cấp, các ngành của Thành phố và Vùng thực hiện. Đặc biệt coi trọng chỉ đạo điểm, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời. Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban Thành phố phân công đồng chí Trần Duy Dương - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch Thành phố trực tiếp phụ trách hai Ban: Ban vận động nhân dân Thủ đô đi xây dựng vùng kinh tế mới (ở Hà Nội) và Ban xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.
Trong khi Trung ương chưa kịp ban hành các chính sách hoàn chỉnh, Hà Nội cần phải chủ động giải quyết một số chế độ chính sách của địa phương để hỗ trợ cho lao động, cán bộ và hộ gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới được thuận lợi như: Trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vận chuyển, cấp đất và trợ cấp làm nhà, trang bị dụng cụ sinh hoạt, trang bị ban đầu cho lao động. Ngoài ra còn vận động nhân dân các xã, các quận, huyện đóng góp xây dựng “Quỹ kinh tế mới”, tạo thêm nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, động viên bà con đi xây dựng quê hương mới.
2. Từng bước hình thành vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng
Phát huy vai trò xung kích cách mạng của tuổi trẻ Thủ đô tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới… Thành ủy, Uỷ ban nhân dân Thành phố giao cho Thành Đoàn cùng các quận, huyện tổ chức động viên được 2.662 cán bộ, đoàn viên, thanh niên thành lập 8 Tổng đội lao động tiền trạm đi Lâm Đồng phục vụ công tác đón dân vào xây dựng quê hương mới.
Ban chỉ huy Tổng đội của quận, huyện do các đồng chí Thường vụ cấp ủy, Thường trực Ủy ban và Bí thư hoặc Phó bí thư quận, huyện Đoàn trực tiếp phụ trách với một bộ máy giúp việc gọn nhẹ.Ngày 29 – 3 - 1976, Tổng đội Thanh niên tiền trạm Gia Lâm có 293 đội viên là đơn vị đầu tiên xuất quân, tiếp theo là các tổng đội Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì và các khu phố Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đã tập kết đầy đủ trên các địa bàn ở khu vực Nam Ban theo quy hoạch của Ban xây dựng.
Trong những ngày đầu khó khăn, phần vì nhớ nhà, nhớ Thủ đô, phần vì chưa quen với sinh hoạt tập thể, lao động nông nghiệp giữa rừng xa hoang vắng, thiếu thốn đủ điều nên tình hình tư tưởng của anh chị em có nhiều diễn biến phức tạp… Thường trực Thành ủy, Ủy ban Thành phố và Thường vụ Thành Đoàn thông qua Đảng ủy, Ban xây dựng vùng đã kịp thời triển khai các mặt công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực hiện có kết quả đợt sinh hoạt nội bộ bồi dưỡng cho đoàn viên, thanh niên nâng cao thêm nhận thức về tình hình, nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm của Thanh niên Thủ đô đối với sự nghiệp và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các Tổng đội, phát huy vai trò xung kích, tích cực chủ động trong sản xuất, công tác, sinh hoạt và xây dựng đời sống tập thể của tổ chức Đoàn, mỗi Đoàn viên thanh niên dần chuyển biến theo hướng tích cực. Trong hai năm đầu hoạt động của các Tổng đội lao động tiền trạm (từ tháng 4 năm 1976 đến ngày 05 – 8 - 1978) tuổi trẻ Thủ đô đã tiếp bước các thế hệ thanh niên 3 sẵn sàng thời chống Mỹ cứu nước, dũng cảm vượt qua nhiều gian khổ thử thách hy sinh, đoàn kết phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ mở đường xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.
Thành đoàn Hà Nội đã động viên được 150 đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia đợt công tác đặc biệt. Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ và phục vụ đội quy hoạch vào khảo sát vùng Lán Tranh (hiện có nhiều Fulrô hoạt động) để kịp hoàn thành quy hoạch tổng thể xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng trình Chính phủ phê duyệt. Kết quả có 100/150 đồng chí được tuyển chọn, huấn luyện và trang bị vũ khí và dụng cụ hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Các đồng chí đã băng rừng, lội suối, vượt sình lầy, đối mặt với thú dữ và bọn Fulrô ngày đêm rình rập… Mọi người đều dũng cảm kiên cường, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao sau hơn một tháng tham gia chiến dịch từ ngày 14- 7 đến ngày 25 – 8 - 1976 lập thành tích chào mừng Quốc khánh 02 tháng 9 lần đầu tiên được tổ chức trong vùng kinh tế mới. Tham gia xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để 948 hộ, 2.178 lao động, 348 cán bộ các ngành (có 219 đảng viên) sớm ổn định sản xuất, đời sống: Dọn gốc rễ bằng thủ công trên diện tích 1.900ha đất khai hoang cơ giới để đưa vào sản xuất 1.256ha. Trong đó có hơn 20ha phá sình Đinh Tỵ và sình 78 ở Nam Ban để cấy lúa nước. Xây dựng 21.551m2 nhà hộ dân (tương đương gần 1000 căn nhà hộ). Đào 117 giếng nước, làm 306 nhà vệ sinh… Làm 271km đường giao thông, 35 cầu cống các loại, trong đó có các công trình thanh niên như cầu ngầm Gia Thạnh và cầu tạm Đinh Văn mở đường sang Lán Tranh phục vụ giao thông cả mùa khô và mùa mưa.
Tham gia tổ chức sản xuất thử nghiệm, tìm hiểu thời vụ, quy trình kỹ thuật, khả năng phát triển của cây trồng, vật nuôi để chuẩn bị mở rộng sản xuất đại trà… Đoàn Thanh niên vùng kinh tế mới đã phối hợp với phòng kỹ thuật tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình trồng ngô, lúa, đậu tương cho lao động tiền trạm, tổ chức thao diễn và làm công trình thanh niên cao sản gây phong trào thi đua giành năng suất, chất lượng cao để hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất của các Tổng đội.
Sau ba vụ sản xuất cuối năm 1976 và cả năm 1977, vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, với sự giúp đỡ tận tình về nhiều mặt của các bậc lão nông như gia đình ông Hà Văn Lộc ở Tùng Nghĩa (Đức Trọng), cụ Ngô Văn Bính ở khu phố Hà Đông (Đà Lạt)… sang năm 1978, tình hình sản xuất lương thực, thực phẩm vụ 1 trong Vùng kinh tế mới đã có bước phát triển rõ rệt.
Tổng sản lượng lương thực quy thóc có khả năng vượt chỉ tiêu 4.300 tấn. Riêng Tổng đội Đông Anh đã thu được 1.400 tấn (bằng 30% toàn vùng). Về chăn nuôi, đã có 100 con bò sinh sản, 280 lợn nái chất lượng tốt, chuẩn bị cung cấp giống cho các hộ gia đình. Thắng lợi bước đầu trong vụ I/1987 đã có tác dụng cổ vũ to lớn, bật “tín hiệu xanh” động viên nhân dân Thủ đô vào xây dựng vùng kinh tế mới ngày càng đông.
Các sở, ngành y tế, giáo dục, văn hóa thông tin, thể dục thể thao của Thành phố phân công cán bộ, đầu tư thiết bị cho Vùng kinh tế mới và phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên tích cực tham gia phong trào rèn luyện sức khoẻ, học tập văn hóa, sinh hoạt văn nghệ, hội diễn, hội thao… đều khắp từ các Tổng đội đến toàn Vùng, nhất là trong những dịp lễ, tết… tạo không khí phấn khởi, lạc quan tin tưởng yên tâm gắn bó xây dựng quê hương mới.
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức vận động đoàn viên, thanh niên các Tổng đội lao động tiền trạm xây dựng được một số công trình thanh niên như : Sân vận động trung tâm Nam Ban, hồ Tròn trước trường phổ thông trung học Thăng Long - Nam Ban và trồng “Cây thanh niên” hai bên đường dài gần 2km nối trung tâm Tân Hà (Lán Tranh) vào Nông trường Quốc doanh số 3.
Cùng với nhiệm vụ khai hoang, phát triển sản xuất Đảng bộ vùng đả quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, thành lập 3 đại đội, 30 trung đội dân quân tự vệ gồm 1.570 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp cùng các lực lượng bộ đội, công an địa phương truy quét bọn phản động có vũ trang Fulrô ngoài rừng, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để sớm ổn định tình hình sản xuất, xây dựng đời sống của đồng bào Thủ đô trên quê hương mới. Trong cuộc chiến đấu, lao động mở đường xây dựng và bảo vệ Vùng kinh tế mới, đã có 7 cán bộ, đội viên thanh niên lao động tiền trạm hy sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân vì bình yên cuộc sống, vì tương lai hạnh phúc của nhân dân.
Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương của Thành phố đưa lực lượng thanh niên tiền trạm đi trước một bước là hoàn toàn đúng đắn. Vai trò xung kích, năng lực sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô tham gia xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng là rất đáng ghi nhận… Nhưng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quê hương mới là rất toàn diện, lâu dài, thực tiễn đời sống đòi hỏi phải sớm đưa được các hộ gia đình vào bám trụ mới ổn định lâu dài, bền vững. Vì vậy, ngay từ đợt đầu ra quân đầu năm 1976, Thành phố đã đồng ý cho huyện Từ Liêm đưa 9 hộ dân đi cùng với lao động tiền trạm vào Nam Ban. Thấy bà con thích ứng nhanh, làm ăn có hiệu quả, nên cuối năm, các huyện khác cùng thực hiện, đưa tổng số hộ gia đình vào vùng lên 90 hộ.
Dưới ánh sáng các nghị quyết của đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV và các hội nghị Trung ương 4, 5, 6; nghị quyết đại hội VII, VIII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội và đại hội I, II của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết Đại hội I, II của Đảng bộ huyện Đức trọng. Được sự chỉ đạo chặt chẽ và giúp đỡ hết lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc của cả hai địa phương, đại hội Đảng bộ vùng kinh tế mới Hà Nội lần thứ II (1980 – 1982) và lần thứ III (1983 – 1986) đã từng bước quán triệt các quan điểm, đường lối chính sách, chủ trương chiến lược của Trung ương; tư tưởng chỉ đạo của hai địa phương, chú trọng tổng kết thực tiễn, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể, từ đó đè ra những giải pháp phù hợp và quyết tâm tổ chức thực hiện, từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đưa sự nghiệp xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng dần đi vào thế ổ định và phát triển.
Tháng 11 năm 1978, chính thức thành lập hai Nông trường quốc doanh số 3 (Lán Tranh) và Nông trường quốc doanh số 4 (Nam Ban) để làm nòng cốt trong việc tổ chức, hướng dẫn cho kinh tế tập thể và các hộ gia đình thực hiện phương hướng sản xuất chính của vùng. Tháng 12-1978, thành lập 4 Hợp tác xã nông, lâm nghiệp: Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì thay thế các Tổng đội thanh niên lao động tiền trạm.
Từ đầu năm 1979, hầu hết các đơn vị kinh tế cơ sở trong vùng gồm 2 nông trường quốc doanh; 4 Hợp tác xã; 3 cửa hàng thương nghiệp, lương thực, vật tư; 5 xí nghiệp đều trở thành đơn vị hạch toán kinh doanh độc lập. Đây là một bước chuyển giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành của Vùng kinh tế mới, nhưng cũng là những thách thức khắc nghiệt, buộc phải chấm dứt thói quen dựa dẫm ỷ lại vào cơ chế bao cấp để phát huy ý thức tự lực tự cường, năng động sáng tạo, làm ăn có tính toán, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thực hiện nhiệm vụ mở rộng hệ thống giao thông vào các vùng kinh tế mới, định canh, định cư, phục vụ lâm nghiệp và các vùng trọng điểm, phục vụ triển khai các dự án theo kế hoạch 5 năm của tỉnh. Điều chỉnh và phân bổ từng bước lực lượng lao động sản xuất, tập trung công tác khai hoang định canh, định cư. Đảng ủy và Ban xây dựng vùng đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng thanh niên tiền trạm làm xong đường ngầm Gia Thạnh, bắc cầu tạm Đinh Văn, mở 15km đường cấp phối từ Tân Văn qua dốc 800 vào trung tâm Lán Tranh; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng Nông trường quốc doanh số 3 làm điểm tựa; tăng cường một đại đội tự vệ gồm thanh niên lao động tiền trạm của các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm vào làm nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa bảo vệ an ninh; chuẩn bị điều kiện khai thác vùng đất ruộng trên 40.000ha có nhiều tiềm năng phát triển.
Ngày 07-06-1978, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn vào thăm Vùng kinh tế mới Hà Nội, qua thực tế tình hình của địa phương, đồng chí Tổng Bí thư gợi ý việc trồng 3.000ha dâu tằm thay cho chủ trương chăn nuôi bò sữa khi chưa có điều kiện thực hiện. Ngay sau cuộc gặp, Đảng ủy và Ban xây dựng Vùng đã khẩn trương tổ chức trồng dâu, nuôi tằm ở trại thực nghiệm và Hợp tác xã Gia Lâm, Từ Liêm và mở rộng ra cả vùng Lán Tranh. Đồng thời chủ động tiến hành điều tra bổ sung, khảo sát tính toán lại, báo cáo với lãnh đạo hai địa phương trình lên Chính phủ xem xét, từ năm 1980 cho phép Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng điều chỉnh lại quy hoạch, xác định phương hướng sản xuất chính là trồng và chế biến cây công nghiệp lâu năm xuất khẩu (cà phê, trà, dâu tằm). Chăn nuôi bò thịt, tiến tới nuôi bò kiêm dụng sữa, thịt và bò sữa. Tận dụng mọi điều kiện tại chỗ để sản xuất lương thực, thực phẩm và cây ăn quả.
Ngày 29-10-1979, Ban xây dựng Vùng có tờ trình về việc đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố cho thành lập Ban chỉ đạo đón dân và xây dựng Hợp tác xã nông, lâm nghiệp ở Lán Tranh.
Từ ngày 12 đến 14-01-1980, Đảng bộ vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II. Đại hội bầu BCH đảng bộ khóa II gồm 15 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Vũ Hoa Mỹ tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy vùng.
Tháng 15-1.1980, có 34 lao động tiền trạm của huyện Thạch Thất vào Lán Tranh. Đến tháng 04-1980, số lao động tiền trạm lên đến gần 1000 người (kể cả Nông trường quốc doanh số 3). Cùng với lao động tiền trạm, các huyện đã cử 4 bộ khung cán bộ của 4 Hợp tác xã là Thạch Thất 1, Phúc Thọ 1, Hoài Đức 1, Đan Phượng 1 vào để xúc tiến công tác vận động xây dựng các Hợp tác xã theo kế hoạch chung của Vùng.
Năm 1981, Uỷ ban nhân dân thị trấn nộng trường Nam Ban ra đời, thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính toàn Vùng để Ban xây dựng và các Nông trường, xí nghiệp, trạm trại, Hợp tác xã có điều kiện chuyên lo sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản… đưa mọi mặt hoạt động của vùng kinh tế mới đi vào thế ổn định, phát triển toàn diện. Nhất là giai đoạn 1983 - 1986, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội III của Đảng bộ Vùng.
Ngày 21 và 22-3-1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ vùng lần thứ III (nhiệm kỳ 1983 – 1986) được tổ chức trọng thể. Đại hội bầu BCH đảng bộ khóa III gồm 21 ủy viên chính thức. Đồng chí Nguyễn Văn Đức, thành ủy viên được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy vùng…
3. Những thành quả đạt được của Vùng kinh tế mới Hà Nội
Sau hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, bằng sức lao động sáng tạo với quyết tâm cao và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả Trung ương và hai địa phương, Vùng kinh tế mới Hà Nội đã biến một vùng đất bị bỏ hoang hóa sau hai cuộc chiến tranh kéo dài thành một vùng dân sinh kinh tế có quy mô, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh-quốc phòng.
Đã tổ chức tuyên truyền, vận động được 5.124 hộ dân, 23.665 nhân khẩu, 10.162 lao động tình nguyện đi xa Thủ đô vào xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Tuy bước đầu gặp rất nhều khó khăn, thiếu thốn, phức tạp, nhưng cán bộ và đồng bào vẫn kiên trì bám trụ, đoàn kết phấn đấu vượt qua. Tỷ lệ số hộ bỏ về chỉ có hơn 5% so với 27% là tỷ lệ bình quân chung của các vùng kinh tế mới trong cả nước thời kỳ đó. Các gia đình ở lại đều có công ăn việc làm, đại bộ phận có thu nhập khá hơn so với khi còn ở quê cũ. Tính đến năm 1985 có 35% số hộ làm ăn khá, 55% số hộ trung bình, số hộ khó khăn còn 10%.
Xây dựng sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng những nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, từng bước tạo được sự ổn định, phát triển. Khai hoang được 5.539ha. Trong đó khai phá sình làm rộng lúa nước 675ha, xây dựng cải tạo đồng ruộng 1.918ha. đất dùng cho xây dựng các công trình công cộng 98,71ha.
Hoàn thành 5.212 căn nhà với tổng diện tích 141.429m2, xây dựng các công trình nhà xưởng và 276km đường nội bộ. Xây dựng Đường điện trung, hạ thế dài 52km và 7 trạm biến thế công suất 1400KVA, xây 4 cầu sắt, cầu bê tông dài 152m và 25 cầu gỗ dài 645m.
Đào đắp, xây dựng được 12 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ và đào 1288 giếng nước… với tổng số vốn đầu tư 75.268.639 đồng (tiền cũ), chưa kể 01 triệu USD (quy đổi bằng 12.000.000 đồng) viện trợ của Hội Tin lành Châu Á bằng máy khai hoang, xe vận tải và tôn lợp nhà.
Tổ chức sản xuất thực nghiệm, kịp thời tổng kết thực tiễn, báo cáo xin điều chỉnh phương hướng sản xuất chính của vùng (từ chăn nuôi bò sữa sang trồng cây công nghiệp (cà phê, chè, dâu tằm xuất khẩu) với cơ cấu kinh tế nông - lâm - công nghiệp và dịch vụ; bố trí cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp; coi trọng phát triển 3 thành phần: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể Hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình hỗ trợ nhau cùng phát triển, sản xuất và đời sống của Vùng đi lên.
Sau hơn 10 năm xây dựng (1976 - 1987) toàn Vùng đã sản xuất được 25.000 tấn lương thực (bình quân đầu người từ 158 kg/người/năm 1977 lên 243 kg/người/năm 1985), trồng được 643ha cà phê, 150ha dâu tằm và 282ha chè bước đầu cho thu hoạch, năng suất sản lượng ngày càng tăng. Chăn nuôi được 1.000 con trâu bò, đàn lợn tăng từ 300 con năm 1977 lên 3.990 con năm 1985, đào đắp được 1.000 ao, hồ thả cá với diện tích mặt nước 150ha. Về tổ chức các đơn vị kinh tế cơ sở, đã thành lập 3 Nông trường quốc doanh (Nông trường 3, Nông trường 4, Nông trường thanh niên), 01 trại giống dâu tằm tơ quốc doanh, 01 lâm trường Nam Ban, 01 Công ty cà phê và 13 Hợp tác xã nông - lâm nghiệp. Ngành công nghiệp có 2 xí nghiệp (Thi công Cơ Giới và chế biến nông sản) và 01 trạm quản lý phân phối điện. Ngành xây dựng có 3 xí nghiệp (gỗ, gạch và xây dựng). Ngành lưu thông phân phối có 3 công ty (công ty thương nghiệp tổng hợp, công ty lương thực và công ty vật tư tổng hợp).
Tổng tài sản cố định của các đơn vị sản xuất quốc doanh là 715 đơn vị tài sản, trị giá theo đơn giá khôi phục là 119.949.259 đồng. Trong đó do ngân sách cấp 89.304.532 đồng, vay ngân hàng 23.466.455 đồng, tự có 7.179.271 đồng.
Tổng vốn lưu động: 77.657.318 đồng. Trong đó vốn ngắn hạn ngân sách cấp 13.683.988 đồng, vốn ngắn hạn vay ngân hàng 63.973.330 đồng, trong 7 năm hoạch toán kinh doanh đã có lãi 11.440.151 đồng và thu hồi vốn khấu hao cơ bản được 6.672.000 đồng.
Về y tế, Có hai phân viện Nam Ban và Lán Tranh, tổng số 70 giường, phòng y tế có đội vệ sinh phòng dịch, đội vận động kế hoạch hóa gia đình, cửa hàng thuốc và hệ thống trạm xá đến tận cơ sở với tổng biên chế 78 gnười, bình quân 1000 dân có 01 y, bác sĩ phục vụ và 263 người có 01 giường bệnh.
Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ngay từ đầu năm học đầu tiên 1977 - 1978 đã thành lập phòng giáo dục.Lúc đầu chỉ có 22 cán bộ, giáo viên với 570 học sinh. Sau 10 năm xây dựng và phát triển đã hình thành cả hệ thống từ Vùng đến cơ sở gồm: 16 trường từ mẫu giáo đến phổ thông trung học và bổ túc văn hóa có 212 lớp với tổng số học sinh 5.850 em (cứ 4,3 người dân có 01 người đi học), tổng số giáo viên 351 người.
Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở trường lớp, điều kiện sinh hoạt của thầy và trò nhưng vẫn cố gắng phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, động viên nhau thi đua “dạy tốt, học tốt”. Chất lượng giáo dục đào tạo của vùng ngày một nâng lên theo kịp trình độ chung. Tính đến cuối niên khoá 1986 – 1987 đã có 980 em tốt nghiệp phổ thông cơ sở, 247 học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Có 27 người vào học tại các trường Đại học và dự bị Đại học; 70 người đã trở thành giáo viên cấp I và mẫu giáo, 12 người tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, 20 người tốt nghiệp trung cấp y tế và các ngành nghề khác về phục vụ tại Vùng, góp phần tạo nguồn nhân lực xây dựng quê hương mới lâu dài.
Về văn hóa - xã hội, toàn Vùng có phòng văn hóa thông tin, Đài truyền thanh, nhà văn hóa, liên đội chiếu bóng và thư viện với tổng biên chế 28 người. Trạm quản lý Thác Voi (đơn vị sự nghiệp lấy thu bù chi) có 23 người. Các đơn vị trên làm nhiệm vụ quản lý, tổ chức chỉ đạo và nòng cốt trong phong trào quần chúng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và xây dựng đời sống vui tươi lành mạnh trên quê hương mới.
Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động tốt như Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm. Từ năm 1981 - 1985, do sản xuất ngày càng ổn định, phát triển, tạo điều kiện để đưa phong trào đi vào chiều sâu, phát động các cơ sở đăng ký xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới. Các đơn vị như xí nghiệp gỗ, Nông trường 4, Hợp tác xã Thanh Trì, thị trấn Nam Ban có phong trào vệ sinh sạch sẽ, quan hệ xóm làng đoàn kết; thực hiện nếp sống văn hoá lành mạnh, tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi…
Ban lãnh đạo Vùng và các đoàn thể còn quan tâm tổ chức động viên phong trào sáng tác văn, thơ, nhạc tự biên tự diễn trong Vùng và tạo điều kiện cho các cơ quan thông tin, văn hóa và các văn nghệ sĩ ở Trung ương và địa phương cùng khách quốc tế đến thăm tìm hiểu thực tế sản xuất, xây dựng, cuộc sống trong Vùng để sáng tác. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã ra đời phản ánh sinh động công cuộc xây dựng Vùng kinh tế mới của người Hà Nội ở Lâm Đồng. Trong đó có các bộ phim: “Mở đường thắng lợi”, “Người Hà Nội trên cao nguyên đất đỏ”, “Trên cao nguyên xanh” và một số ấn phẩm khác.
Thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, ra sức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, tích cực chủ động phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương truy quét Fulrô, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng, tích cực góp phần làm thất bại âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch.
Công tác xây dựng lực lượng, bảo vệ trật tự trị an, đội công an Vùng 8 năm liền đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến; công tác quân sự địa phương và hậu phương quân đội được Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen, 5 đơn vị được quân khu Thủ đô công nhận là “đơn vị quyết thắng”.
Công tác xây dựng chính quyền và các đoàn thể, tháng 9-1981, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Ủy ban nhân dân thị trấn Nam Ban trực thuộc huyện Đức Trọng, trong quá trình hoạt động đã có nhiều cố gắng làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về hành chính trong toàn Vùng. Đã tổ chức, hướng dẫn, động viên nhân dân học tập và thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ và được hưởng mọi quyền lợi chính đáng của công dân. Từ kết quả đó đã tạo cho nhân dân thêm niềm phấn khởi, yên tâm xây dựng quê hương mới. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh tế cơ sở và các gia đình tập trung lo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, ổn định và cải thiện đời sống tinh thần, vật chất, tăng cường mối quan hệ mật thiết với các xã trong huyện, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị của địa phương vững mạnh.
Trong những năm 1980 - 1981 trở đi, hoạt động của Đoàn được tổ chức sâu rộng đến các đơn vị cơ sở như Nông trường, Hợp tác xã, xí nghiệp, trường học… Cán bộ, đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia sản xuất nhận khoán sản phẩm với ngày công, năng suất lao động cao, vượt mức kế hoạch giao; làm thuỷ lợi, phá sình cấy lúa nước, trồng cây, làm phân trấp, phòng chống cháy rừng, thao diễn kỹ thuật, làm lô cao sản và lao động xã hội chủ nghĩa xây dựng các công trình thanh niên để cải thiện điều kiện hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên.
Trong những năm 1982 - 1985, Thành Đoàn Hà Nội đã cử đại đội thanh niên xung phong gồm 116 đồng chí vào Nam Ban và động viên 200 đoàn viên thanh niên vào Lán Tranh tham gia xây dựng Nông trường quốc doanh số 4 và Nông trường Thanh niên thực hiện chương trình hợp tác quốc tế trồng cây cà phê theo phương hướng sản xuất chính của Vùng. Đoàn còn phối hợp với các ngành văn hóa, y tế, giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền vận động giới trẻ thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa mới, thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực, tổ chức Đoàn ngày càng được mở rộng, củng cố và phát triển. Trong 10 năm đã kết nạp được 1480 đoàn viên mới, giới thiệu được 70 đoàn viên ưu tú cho tổ chức Đảng bồi dưỡng. Đến năm 1985, toàn vùng đã có 4 tổ chức Đoàn cơ sở, 58 chi đoàn với 1677 đoàn viên. Đoàn vùng được Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen, Thành Đoàn Hà Nội tặng cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào tuổi trẻ lập công chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V". Đầu năm 1986, Thành Đoàn tặng cờ “Đơn vị thi đua khá nhất mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh".
Tổ chức Công đoàn Vùng, được thành lập từ tháng 03 năm 1977, lúc đầu chỉ có 50 đoàn viên là công nhân viên chức các cơ quan chuyển từ Hà Nội vào. Từ năm 1979 - 1980 trở đi, khi các Nông trường quốc doanh, xí nghiệp ra đời, tổ chức Công đoàn đã phát triển mạnh ở các đơn vị kinh tế cơ sở. Sau 10 năm xây dựng đã có 1080 đoàn viên, 19 công đoàn cơ sở, 8 công đoàn bộ phận. Công đoàn Vùng đã triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy và Công đoàn cấp trên, tổ chức động viên đoàn viên, công nhân viên chức nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, phát huy trách nhiệm và quyền làm chủ, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm, đảm bảo chất lượng ngày công, thực hiện chế độ khoán theo sản phẩm. Công đoàn đã cùng với chính quyền và các đoàn thể chăm lo ổn định và từng bước cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức đời sống trên quê hương mới. Được Liên hiệp Công đoàn Thành phố quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nên chất lượng hoạt động của các Công đoàn cơ sở ngày mỗi nâng lên. Phân loại tổ chức Công đoàn cơ sở cuối năm 1985 có: 10 Công đoàn cơ sở đạt khá, 7 đạt trung bình, chỉ còn 2 đơn vị yếu.
Tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ, được thành lập từ năm 1976, lúc đầu có 500 hội viên, sau 10 năm đã mở rộng đến tất cả các cơ sở, thu hút được 6000 hội viên. Hội đã có đóng góp tích cực phát huy vai trò quan trọng của lực lượng phụ nữ trong việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăm lo bảo vệ bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình văn hoá và nhiều hoạt động văn hoá xã hội khác. Đặc biệt là chăm lo giải quyết nhiều vấn đề thiết thực đảm bảo quyền lợi, đời sống của hội viên trong bước đầu lập nghiệp trên quê hương mới như: vận động đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn trong sản xuất, đời sống; vận động tổ chức các nhà, nhóm trẻ; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện luật hôn nhân và gia đình, chính sách hậu phương quân đội, tham gia hoà giải giữ gìn hạnh phúc gia đình, xây dựng tình làng nghĩa xóm trên quê hương mới .v.v.
Đảng bộ Vùng kinh tế mới Hà Nội được thành lập ngày 18-3-1976, hình thành từ những cán bộ biệt phái, là một Đảng bộ đặc cách lúc đầu chỉ có 13 đồng chí, sau bổ sung từ lực lượng tiền trạm lên 47 đồng chí. Sau hơn 10 năm qua hoạt động Đảng bộ đã trưởng thành từng bước cả về số lượng và chất lượng. Từ một Đảng bộ cơ sở trực thuộc đã được Thành uỷ Hà Nội quyết định lên Đảng bộ cấp trên cơ sở. Từ chỗ chỉ có 35 chi bộ với 279 đảng viên (1983) đến năm 1986 đã phát triển lên 43 chi bộ với 374 đảng viên, có mặt trên khắp các vị trí chiến đấu. Được rèn luyện, thử thách trong hơn 10 năm xây dựng Vùng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ ngày càng vững vàng thêm về bản lĩnh chính trị, tinh thần đoàn kết nhất trí, ý thức trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và tổ chức quản lý kinh tế xã hội; có quan hệ mật thiết với quần chúng. Trong 10 năm kết nạp được 105 đảng viên mới. Qua kết quả kiểm tra tư cách đảng viên sau khi thực hiện chỉ thị 79, trong số 367 đảng viên được phân loại có 91 đồng chí phát huy tác dụng toàn diện cả phẩm chất và năng lực là 91 đồng chí, chiếm 24,7%; số đủ tư cách, không sai phạm gì lớn nhưng năng lực yếu là 256 đồng chí, chiếm 69,7% (trong đó già yếu là 34 đồng chí); số có khuyết điểm bị thi hành kỷ luật nhưng chưa đến mức phải đưa ra khỏi Đảng là 18 đồng chí, chiếm 0,4%; số không đủ tư cách phải đưa ra khỏi Đảng có 02 người chiếm 0,03%. Phân loại chi bộ có 5 chi bộ vững mạnh, 32 chi bộ khá, còn 8 chi bộ kém
Về công tác tổ chức cán bộ, trong bối cảnh tổ chức sản xuất và quản lý của Vùng ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đội ngũ cán bộ lại đang chuyển dần từ chỗ chủ yếu “biệt phái” sang “địa phương hoá”. Đảng bộ đã có nhiều cố gắng tìm những biện pháp phù hợp để vừa tổ chức động viên lực lượng cán bộ hiện có bắt tay vào việc theo yêu cầu mới, đảm bảo mọi hoạt động bình thường, vừa từng bước sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung sử dụng hợp lý hơn. Đồng thời quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ bằng nhiều hình thức. Vận dụng thực hiện các chế độ, chính sách thu hút thêm cán bộ nơi khác đưa cả gia đình vào vùng công tác lâu dài. Chỉ tính trong 4 năm (1983 - 1986) đã cử 386 người đi học các trường sơ, trung cấp và đại học đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ. Riêng năm 1986, gửi đi đào tạo đại học 4, cao đẳng 25, trung cấp 43, sơ cấp 20 và 14 đồng chí theo học chương trình đại học và trung cấp tại chức. Từng bước xây dựng các phương án quy hoạch cán bộ, đề bạt 84 đồng chí nguồn tại chỗ từ đội phó đến trưởng, phó phòng, ban. Đồng thời cũng đã thu hút được hàng trăm cán bộ của Hà Nội và các địa phương khác đưa cả gia đình vào Vùng công tác lâu dài. Do đó đã ổn định dần lực lượng cán bộ, bảo đảm thúc đẩy một số mặt công tác, hạn chế được những khó khăn, bất cập trong bước trưởng thành của Vùng.
Tuy vậy, công tác tổ chức cán bộ vẫn còn đang là một trong những khâu yếu, rất đáng lo lắng của Vùng khi chuyển sang cơ chế quản lý mới… Bên cạnh những chuyển biến tiến bộ đã đạt được, thực trạng tình hình khó khăn, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng và chất lượng đảng viên cũng như công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ của Vùng đã hạn chế vai trò lãnh đạo toàn diện, nhất là lãnh đạo quản lý kinh tế, làm giảm sức chiến đấu, tác dụng giáo dục động viên, tập hợp quần chúng của nhiều chi bộ.
phần thứ hai
HUYỆN LÂM HÀ TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI XÂY DỰNG
VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1987-2010)
Chương I
THÀNH LẬP HUYỆN LÂM HÀ, TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI VÀ ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ (1987-1991)
1. Khắc phục khó khăn, ổn định một bước sản xuất và đời sống, xây dựng và cũng cố hệ thống chính trị
Thành lập vào thời điểm Ðảng lãnh đạo chủ trương thực hiện đường lối đổi mới, đồng thời được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng, sự cổ vũ, động viên và ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt của nhân dân thủ đô Hà Nội, Hà Tây và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho lâm Hà từng bước ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, qua 10 năm xây dựng và phát triển vùng, cơ sở vật chất, phương tiện sản xuất, các cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống truyền thanh, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, bệnh viện…đã được xây dựng. Ðời sống văn hóa tinh thần của đại bộ phận nhân dân Vùng từng bước được cải thiện và nâng lên.
Ngày 28-10-1987, lễ ra mắt huyên Lâm Hà được tổ chức trọng thể, đánh dấu sự ra đời của một huyện mới trên vùng đất cao nguyên Lâm Ðồng.
Ðể nhanh chóng kiện toàn tổ chức lãnh đạo và điều hành các họat động của huyện mới, ngày 11-10-1987, Ban Thường vụ tỉnh ủy Lâm Ðồng đã ra quyết định số 12-QÐ/TU thành lâp Ðảng bộ huyện Lâm Hà với trên 5 vạn dân và 52 tổ chức cơ sở Ðảng với 529 đảng viên. Ðồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định số 556 thành lập Ban Chấp hành Ðảng bộ Lâm thời gồm 31 đồng chí uỷ viên, đồng chí Phan Hữu Giản được chỉ định làm Bí thư huyện ủy, đồng chí Nguyễn Văn Trí giữ chức Phó Bí thư thường trực, đồng chí Hoàng Trọng Thể- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện. Ngay sau đó, Ủy Ban nhân dân huyện và các tổ chức mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội cũng được thành lập và đi vào hoạt động.
Về tổ chức Đảng, số lượng đảng viên ít, chất lượng đảng viên thấp, không đồng đều, nhiều đồng chí tuổi cao sức yếu, bình quân tuổi đời của đảng viên là 44 tuổi. Trình đồ văn hóa: cấp I là 35 đồng chí; cấp II là 226 đồng chí; cấp III là 159 đồng chí. Trình độ chuyên môn kỹ thuật: cán bộ đại học và cao đẳng là 35 đồng chí; trung cấp là 56 đồng chí; sơ cấp là 19 đồng chí. Về trình độ chính trị: cao cấp 2 đồng chí; trung cấp 33 đồng chí; sơ cấp 156 đồng chí; cơ sở 225 đồng chí. Toàn Đảng bộ có 88 đảng viên là cán bộ hưu trí, chiếm 21,41%.
Việc thành lập huyện Lâm Hà trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, đòi hỏi phải có những chính sách, bước đi phù hợp, táo bạo, bởi do đặc điểm và tính chất của huyện Lâm Hà còn gặp một số khó khăn như: Đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân từ nhiều nơi hợp lại, tình hình tư tưởng và tổ chức chưa thật ổn định, một số bộ phận cán bộ, đồng bào chưa yên tâm xây dựng cuộc sống trên vùng quê hương mới. Tình hình sản xuất, đời sống còn nhiều khó khăn, trong đó có 1/3 đồng bào dân tộc thiếu số. Hậu quả của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp còn rất nặng nề, cơ chế mới chưa hình thành một cách đồng bộ.
Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 17-1-1987 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về phương hướng nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 1987. Nghị quyết đề ra chủ trương sắp xếp và chuyển hướng một bước cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, tổ chức sản xuất và tổ chức quản lý; từng bước ổn định kinh tế-xã hội, trước hết là ổn định giá-lương-tiền; chỉ đạo thực hiện ba chương trình kinh tế lớn. Tập trung sức phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn nông nghiệp-lâm nghiệp với công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngay từ đầu và từ cơ sở nhằm giải quyết từng bước vững chắc về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
2. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ I, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
Sau một năm thành lập và đi vào hoạt động, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà đã đoàn kết vượt qua những khó khăn, thử thách, phức tạp của bước đầu chuyển giai đọan thực hiện thắng lợi các chủ trương, kế hoạch đề ra.
Ðược sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Ðồng, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ I diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30- 11- 1988. Về tham dự Ðại hội có 110 đại biểu thay mặt cho trên 600 đảng viên trong toàn Ðảng bộ.
.
Ðại hội đã đánh giá thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của huyện sau thời gian một năm thành lập và đi vào hoạt động, đồng thời xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 1988-1991 và bầu Ban chấp hành Ðảng bộ huyện khóa I. Ðại hội đã đánh giá: Lâm Hà là huyện mới được thành lập, bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Ðảng bộ đã cố gắng chủ động đề ra các chủ trương, chính sách, giải quyết ổn định tình hình tư tưởng và công tác tổ chức, sớm hình thành và củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Xuất phát từ đặc điểm và thực trạng kinh tế - xã hội của địa phương sau một năm thành lập, đồng thời xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, Ðại hội đã xác định mục tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 1988 - 1991 là: “Ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế mới. Ðồng thời tích cực chuẩn bị các tiền đề cần thiết để tiếp tục tiến lên trong những năm tiếp theo, xây dựng huyện Lâm Hà thành một huyện phát triển về kinh tế - văn hóa – xã hội, vững mạnh về chính trị và an ninh quốc phòng”.
Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 39 đồng chí uỷ viên. tại kỳ họp thứ nhất Ban chấp hành bầu Ban Thường vụ huyện uỷ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phan Hữu Giản được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, đồng Nguyễn Văn Trí làm Phó Bí thư thường trực và đồng chí Hoàng Trọng Thể làm Phó Bí thư- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Chương II
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN THỬ THÁCH, TỪNG BƯỚC ĐỊNH HƯỚNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (1991-1995)
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ II đề ra phương hướng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội
Từ ngày 18 đến 19- 03 -1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ II( nhiệm kỳ 1991 – 1995 ) được tiến hành. Về dự Đại hội có 109 đại biểu thay mặt cho trên 700 đảng viên trong toàn đảng bộ. Đại hội đã thảo luận và góp ý kiến vào dự thảo báo cáo Chính trị của đại hội, chỉ ra nguyên nhân chủ quan của những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện.
Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát 5 năm (1991-1995) : Tăng cường đoàn kết nhất trí, phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cơ bản ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; định canh định cư vùng dân tộc, cải thiện một bước đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân; bảo vệ vững chắc an ninh, chính trị và trật tự xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng huyện phát triển toàn diện, vững chắc trong những năm tiếp theo.
Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm có 35 đồng chí uỷ viên, tại kỳ họp thứ nhất ban chấp hành bầu Ban Thường vụ huyện uỷ gồm 10 đồng chí. Đồng chí Phan Hữu Giản tiếp tục giữ chức vụ Bí thư huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Quốc Triều Phó bí thư thường trực và đồng chí Nguyễn Văn Trí Phó bí thư, Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện.
.
Chương III
TIẾP TỤC THỰC HIỆN SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI TRÊN QUÊ HƯƠNG LÂM HÀ (1996-2000 )
Trong giai đoạn 1996-2000, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ XXI.
Trước tình hình đó, từ ngày 22 đến 24-3-1996, Đảng bộ huyện Lâm Hà tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 1996 - 2000. Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, đồng thời căn cứ tình hình thực tế của địa phương đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện những năm cuối thế kỷ XX, chuẩn bị một bước quan trọng, những tiền đề bước vào thiên niên kỷ mới. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những khuyết điểm, yếu kém, tìm ra nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ đại hội trước. Đồng thời thực hiện mục tiêu mà Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ tỉnh đề ra là tiếp tục sự nghiệp đổi mới nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thời kỳ 1996-2000: Ra sức bồi dưỡng và phát huy yếu tố con người; xây dựng Đảng bộ vững mạnh trong sạch; phấn đấu ổn định và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và hiệu quả hơn, vững chắc hơn, đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, quyết tâm nhanh chóng đưa Lâm Đồng vượt qua tình trạng nghèo và kém phát triển, cải thiện mức sống các tầng lớp nhân dân, nâng cao tích luỹ nội bộ, chuẩn bị các tiền đề cần thiết cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000.
.
Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ III gồm 33 đồng chí uỷ viên, tại kỳ họp thứ nhất Ban chấp hành bầu ban thường vụ gồm có 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều được bầu chức vụ Bí thư huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Thị Việt Phó Bí thư thường trực huyện uỷ, đồng chí Chu Đình Quỹ Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Chương IV
THỰC HIỆN SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HOÁ- HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN QUÊ HƯƠNG LÂM HÀ (2001-2005)
1. Đoàn kết thống nhất, từng bước thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Thực hiện chỉ thị số 54 của Bộ chính trị “Về tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng”, từ đầu năm 2000, ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng và các Đảng bộ trực thuộc chuẩn bị và tiến hành tổ chức đại hội.
Từ ngày 19 đến ngày 21-11-2000, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ IV nhiệm kỳ 2000 - 2005 được tiến hành tại Hội trường Huyện ủy với 150 đại biểu đại diện cho 1.600 đảng viên của 48 tổ chức cơ sở Đảng về dự đại hội.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ IV nhiệm kỳ 2000-2005 được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử to lớn. Là đại hội đầu tiên của Thế kỷ mới, Thiên niên kỷ mới. Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam vừa trải qua một Thế kỷ đấu tranh đầy gian nan oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Niềm hy vọng tự hào đan xen với thành tựu sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng giúp chúng ta có cơ sở, kinh nghiệm và niềm tin để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giai đoạn mới.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của nhiệm kỳ III, trước thời cơ thuận lợi và những khó khăn chung của địa phương và đất nước, đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2005: Đoàn kết thống nhất, kiên quyết khắc phục những yếu kém, tồn tại, phát huy mọi nguồn lực, từng bước thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn Lâm Hà theo hướng: Củng cố, xây dựng vững chắc vùng chuyên canh cây công nghiệp với ba cây trồng chính: Cà phê - chè - dâu tằm với quy mô phù hợp và theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Gắn vùng nguyên liệu với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Tập trung củng cố, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đầu tư, giải quyết các vấn đề xã hội; giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
.
Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 33 đồng chí uỷ viên. tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ nhất đã bầu 11 đồng chí vào Ban Thường vụ Huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Quốc Triều tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Thị Việt làm Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, đồng chí Trần Thanh Phương được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Số lượng và chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng tăng lên hàng năm. Năm 2001, toàn huyện có 49 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, trong đó có 19 tổ chức cơ sở Đảng khối xã, thị trấn, 25 tổ chức cơ sở Đảng khối hành chính sự nghiệp, 03 tổ chức cơ sở Đảng khối doanh nghiệp, 02 tổ chức cơ sở Đảng lực lượng vũ trang (13 Đảng bộ 2 cấp với 144 chi bộ trực thuộc).
Tháng 4-2004, đồng chí Nguyễn Quốc Triều, bí thư Huyện ủy được tỉnh điều động chuyển công tác về làm Phó Ban dân vận Tỉnh ủy, đồng chí Đoàn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa về thay đồng chí Nguyễn Quốc Triều làm bí thư Huyện ủy.
Tháng 12-2004, huyện Đam Rông được thành lập, 5 tổ chức cơ sở Đảng: Đảng bộ xã Phi Liêng, Liêng S‘ Ronh, Đạ K‘Nàng, Rô Men, Đạ R‘Sal, 152 đảng viên và 4 đồng chí Huyện ủy viên: đồng chí K‘ Lêu - Phó Ban dân vận Huyện ủy, đồng chí Liêng Trang Dụ - Bí thư Đảng bộ xã Liêng Sron, đồng chí Trần Minh Thức, Bí thư Đảng bộ thị trấn Nam Ban, đồng chí K ‘Siêng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phi Liêng chuyển về huyện mới Đam Rông.
Chương V
PHÁT HUY MỌI TIỀM NĂNG VÀ NGUỒN LỰC XÂY DỰNG HUYỆN LÂM HÀ NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH (2005-2010)
Thực hiện chỉ thị 46-CT/TW ngày 06-12- 2004 của Bộ chính trị và chỉ thị số 39-CT/TU của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Hà V (nhiệm kỳ 2005 - 2010) diễn ra từ ngày 23 đến hết ngày 25-10-2005. Dự đại hội có 204 đại biểu trong 48 tổ chức cơ sở đảng của đảng bộ.
.
Đại hội đã tiến hành tổng kết đánh giá tình hình công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ IV(2000-2005) và định ra phương hướng nhiệm kỳ V(2005-2010) với chủ đề là “Phát huy truyền thống đoàn kết sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệop nông thôn theo hướng công nghiệp hoá-hiện đại hoá .Phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm .Coi trọng đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu ở nông thôn ,bảo đảm lưu thông hàng hoá phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân .Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, quyết tâm xây dựng huyện Lâm Hà trở thành một trong những huyện phát triển và giàu mạnh của tỉnh Lâm Đồng.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành đảng bộ gồm 39 đồng chí, bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội tỉnh gồm 12 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, ban chấp hành đã bầu Ban thường vụ gổm 11 đồng chí. Đồng chí Đoàn văn Việt được bầu làm Bí thư huyện uỷ, đồng chí Phạm văn Khả được bầu làm Phó bí thư thường trực huyện uỷ, đồng chí Trần thanh Phương giữ chức Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
PHỤ LỤC
DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN LÂM HÀ QUA CÁC THỜI KỲ
Danh sách Ban Chấp hành Lâm thời Đảng bộ huyện Lâm Hà (1987 - 1988)
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái
2. Đồng chí Nguyễn Văn Bằng
3. Đồng chí Phạm Xuân Báu
4. Đồng chí Đỗ Huy Chiến
5. Đồng chí Hán Văn Dũng
6. Đồng chí Nguyễn Thị Điểm
7. Đồng chí Đào Văn Bông
8. Đồng chí Phan Hữu Giản ( Bí thư HU)
9. Đồng chí Nguyễn Thiết Giáp
10. Đồng chí Đặng Đình Hoá
11. Đồng chí Nguyễn Quốc Huy
12. Đồng chí Lê Xuân Liễu
13. Đồng chí K’ Long
14. Đồng chí K’ Lêu
15. Đồng chí Lê Bá Ngữ
16. Đồng chí Nguyễn Quang Ngữ
17. Đồng chí Nguyễn Thành Phương
18. Đồng chí Trần Thanh Phương
19. Đồng chí Hoàng Trọng Thể( Phó Bí thư, Chủ tịch UBND)
20. Đồng chí Nguyễn Văn Trí ( Phó Bí thư thường trực HU)
21. Đồng chí Trần Ngọc Thanh
22. Đồng chí Nguyễn Hữu Thu
23. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
24. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
25. Đồng chí Võ Thuận
26. Đồng chí Lê Văn Thoà
27. Đồng chí Lê Ngọc Thọ
28. Đồng chí Phạm Ngọc Thiệp
29. Đồng chí Nguyễn Hữu Văn
30. Đồng chí Nguyễn Thị Việt
31. Đồng chí Bùi Thành Viên
Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Phan Hữu Giản
2. Đồng chí Hoàng Trọng Thể
3. Đồng chí Nguyễn Văn Trí
4. Đồng chí Trần Ngọc Thanh
5. Đồng chí K’ Long
6. Đồng chí K’ Lêu
7. Đồng chí Nguyễn Hữu Văn
8. Đồng chí Bùi Thành Viên
Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Hà nhiệm kỳ I (1988 - 1991)
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái
2. Đồng chí Nguyễn Đăng Chấn
3. Đồng chí Đinh Thị Kim Chi
4. Đồng chí Bùi Tuấn Dương
5. Đồng chí Liêng Trang Dzụ
6. Đồng chí Trần Cảnh Đào
7. Đồng chí Nguyễn Thị Điểm
8. Đồng chí Đào Văn Đông
9. Đồng chí Phan Hữu Giản
10. Đồng chí Nguyễn Thiết Giáp
11. Đồng chí Đặng Đình Hoá
12. Đồng chí Nguyễn Thái Học
13. Đồng chí Nguyễn Quốc Huy
14. Đồng chí Nguyễn Hồng Khanh
15. Đồng chí Hồ Đình Kháng
16. Đồng chí K’ Long
17. Đồng chí Đinh Đăng Long
18. Đồng chí K’ Lêu
19. Đồng chí Hồ Công Mân
20. Đồng chí Đỗ Văn Nhàn
21. Đồng chí Nguyễn Thành Phương
22. Đồng chí Trần Thanh Phương
23. Đồng chí Nguyễn Lâm Thảo
24. Đồng chí Hoàng Trọng Thể
25. Đồng chí Trần Ngọc Thanh
26. Đồng chí Lê Ngọc Thọ
27. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
28. Đồng chí Bùi Đức Tiết
29. Đồng chí Nguyễn Văn Trí
30. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
31. Đồng chí Hà Hồng Thu
32. Đồng chí Võ Thuận
33. Đồng chí Nguyễn Hữu Thu
34. Đồng chí Đào Duy Tản
35. Đồng chí Nguyễn Thị Việt
36. Đồng chí Dương Quang Vượng
37. Đồng chí Lê Văn Ít
38. Đồng chí Phạm Minh Sỹ
39. Đồng chí Nguyễn Trung Xô
Danh sách Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái
2. Đồng chí Phan Hữu Giản
3. Đồng chí Đặng Đình Hoá
4. Đồng chí Nguyễn Hồng Khanh
5. Đồng chí K’ Lêu
6. Đồng chí Nguyễn Thành Phương
7. Đồng chí Hoàng Trọng Thể
8. Đồng chí Trần Ngọc Thanh
9. Đồng chí Nguyễn Văn Trí
10. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
11. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
UBKT Huyện uỷ gồm các đồng chí:
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái: Chủ nhiệm
2. Đồng chí Trần Thanh Liêm: Phó Chủ nhịêm
3. Đồng chí Lê Ngọc Thọ
4. Đồng chí Hồ Đình Kháng
5. Đồng chí Lê Văn Liệu
Ghi chú: Ngày 15/5/1991 Ban Chấp hành họp kiểm điểm và thống nhất cách chức BCH đối với đồng chí Đinh Đăng Long
- Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Hà nhiệm kỳ II (1991 - 1995)
1. Đồng chí Nguyễn Mậu An
2. Đồng chí Đinh Tấn Bái
3. Đồng chí Phạm Xuân Bắc
4. Đồng chí Đinh Thị Kim Chi
5. Đồng chí Nguyễn Đăng Chấn
6. Đồng chí Trần Cảnh Đào
7. Đồng chí Đào Văn Bông
8. Đồng chí Nguyễn Thị Điểm
9. Đồng chí Phan Hữu Giản
10. Đồng chí Nguyễn Văn Hương
11. Đồng chí Nguyễn Thái Học
12. Đồng chí Nguyễn Quốc Huy
13. Đồng chí Phạm Văn Khả
14. Đồng chí Nguyễn Hồng Khanh
15. Đồng chí K’ Lêu
16. Đồng chí Lăng Văn Niệp
17. Đồng chí Trần Đức Mạnh
18. Đồng chí Danh Mố
19. Đồng chí Trần Thanh Phương
20. Đồng chí Chu Đình Quỹ
21. Đồng chí Nguyễn Văn Trí
22. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
23. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
24. Đồng chí Trần Văn Tự
25. Đồng chí Nguyễn Lâm Thảo
26. Đồng chí Lê Vũ Thắng
27. Đồng chí Võ Thuận
28. Đồng chí Trần Quang Toản
29. Đồng chí Nguyễn Hữu Thu
30. Đồng chí Lê Ngọc Thọ
31. Đồng chí Nguyễn Thị Việt
32. Đồng chí Dương Quang Vượng
33. Đồng chí Nguyễn Trung Xô
34. Đồng chí Liêng Trang Dzụ
35. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh
Ban Thường vụ Huyện Uỷ gồm:
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái
2. Đồng chí Trần Cảnh Đào
3. Đồng chí Nguyễn Thị Điểm
4. Đồng chí Trần Đức Mạnh
5. Đồng chí Chu Đình Quỹ
6. Đồng chí Nguyễn Văn Trí
7. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
8. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
9. Đồng chí Nguyễn Thị Việt
10. Đồng chí Phan Hữu Giản
UBKT Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Nguyễn Hữu Thu: Chủ nhiệm
2. Đồng chí Phạm Xuân Bắc: Phó Chủ nhiệm
3. Đồng chí Nguyễn Mậu An
4. Đồng chí Lê Văn Liệu
5. Đồng chí Hồ Đình Kháng
Ghi chú: Ngày 30/5/1994 Ban Chấp hành khoá II họp đã bầu bổ sung 2 đồng chí Đinh Tấn Bái và Phạm Văn Khả vào UBKT Huyện uỷ thay cho đồng chí Nguyễn Hữu Thu (nghỉ hưu) và đồng chí Phạm Xuân Bắc (chuyển công tác khác); đồng chí Đinh Tấn Bái làm Chủ nhiệm và đồng chí Nguyễn Mậu An làm Phó chủ nhiệm UBKT Huyện uỷ
- Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Hà nhiệm kỳ III (1996 - 2000)
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái
2. Đồng chí Nguyễn Văn Bát
3. Đồng chí Phạm Xuân Bắc
4. Đồng chí Trần Văn Ca
5. Đồng chí Đinh Thị Kim Chi
6. Đồng chí Liêng Trang Dzụ
7. Đồng chí Trần Cảnh Đào
8. Đồng chí Nguyễn Thị Điểm
9. Đồng chí Nguyễn Thái Học
10. Đồng chí Nguyễn Quốc Huy
11. Đồng chí Nguyễn Văn Hương
12. Đồng chí Phạm Văn Khả
13. Đồng chí K’ Lêu
14. Đồng chí Lê Văn Liệu
15. Đồng chí Trần Đức Mạnh
16. Đồng chí Danh Mố
17. Đồng chí Lăng Văn Niệp
18. Đồng chí Nguyễn Ngọc
19. Đồng chí Trần Thanh Phương
20. Đồng chí Chu Đình Quỹ
21. Đồng chí Trần Lệ Quyên
22. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh
23. Đồng chí K’ Siêng
24. Đồng chí Nguyễn Văn Thảo
25. Đồng chí Lê Vũ Thắng
26. Đồng chí Võ Thuận
27. Đồng chí Trần Minh Thức
28. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
29. Đồng chí Trần Quang Toản
30. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
31. Đồng chí Đỗ Văn Tú
32. Đồng chí Trần Văn Tự
33. Đồng chí Nguyễn Thị Việt
Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái
2. Đồng chí Trần Cảnh Đào
3. Đồng chí Phạm Văn Khả
4. Đồng chí Trần Đức Mạnh
5. Đồng chí Trần Thanh Phương
6. Đồng chí Chu Đình Quỹ
7. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
8. Đồng chí Trần Quang Toản
9. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
10. Đồng chí Trần Văn Tự
11. Đồng chí Nguyễn Thị Việt
UBKT Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Trần Văn Tự: Chủ nhiệm
2. Đồng chí Lê Văn Liệu: Phó Chủ nhiệm
3. Đồng chí Hồ Đình Kháng
4. Đồng chí Trần Xuân Khánh
5. Đồng chí Nguyễn Quốc Huy
Ghi chú: Ngày 16/10/1998 Ban Thường vụ họp và quyết định bầu đồng chí Đinh Thị Kim Chi và đồng chí Lê Vũ Thắng vào UBKT thay cho đồng chí Nguyễn Quốc Huy (chuyển công tác khác) và đồng chí Hồ Đình Kháng (nghỉ hưu)
- Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Hà nhiệm kỳ IV (2000 - 2005)
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái
2.Đồng chí Nguyễn Văn Bát
3. Đồng chí Trần Thanh Bình
4. Đồng chí Phạm Xuân Bắc
5. Đồng chí Đinh Thị Kim Chi
6. Đồng chí Nguyễn Ngọc Cường
7. Đồng chí Trần Văn Ca
8. Đồng chí Liêng Trang Dzụ
9. Đồng chí Nguyễn Thị Điểm
10. Đồng chí Nguyễn Thái Học
11. Đồng chí Phạm Văn Khả
12. Đồng chí Lê Văn Liệu
13. Đồng chí K’ Lêu
14. Đồng chí Ngô Thị Luân
15. Đồng chí Trần Đức Mạnh
16. Đồng chí Danh Mố
17. Đồng chí Lăng Văn Niệp
18. Đồng chí Trần Thanh Phương
19. Đồng chí Trần Lệ Quyên
20. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh
21. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh
22. Đồng chí K’ Siêng
23. Đồng chí Nguyễn Quang Toản
24. Đồng chí Trần Minh Thức
25. Đồng chí Nguyễn Đức Tài
26. Đồng chí Trần Văn Tự
27. Đồng chí Lê Vũ Thắng
28. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
29. Đồng chí Hà Văn Thuận
30. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
31. Đồng chí Đỗ Văn Tú
32. Đồng chí Vũ Xuân Trường
33. Đồng chí Nguyễn Thị Việt
Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Đinh Tấn Bái
2. Đồng chí Nguyễn Ngọc Cường
3. Đồng chí Phạm Văn Khả
4. Đồng chí Trần Đức Mạnh
5. Đồng chí Trần Thanh Phương
6. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh
7. Đồng chí Nguyễn Quốc Triều
8. Đồng chí Nguyễn Gia Tình
9. Đồng chí Nguyễn Thị Việt
10. Đồng chí Nguyễn Quang Toản
11. Đồng chí Trần Văn Tự
UBKT Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Trần Văn Tự - Chủ nhiệm UBKT
2. Đồng chí Lê Văn Liệu - Phó Chủ nhiệm UBKT
3. Đồng chí Đinh Thị Kim Chi
4. Đồng chí Trần Xuân Khánh
5. Đồng chí Lê Vũ Thắng
Ghi chú:
- Ngày 15/1/2004 Ban Chấp hành họp, bầu đồng chí Lê Thị Nhàn vào BCH thay cho đồng chí Nguyễn Thị Điểm nghỉ hưu.
- Ngày 19/4/2004, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định điều động đồng chí Nguyễn Quốc Triều thôi giữ chức vụ Bí thư Huyện uỷ, giữ chức Phó trưởng ban Dân Vận Tỉnh uỷ. Luân chuyển đồng chí Đoàn Văn Việt - Giám đốc sở Văn hoá Thông tin giữ chức Bí thư Huyện uỷ Lâm Hà.
- Ngày 5/4/2004, Ban Chấp hành họp lấy phiếu tín nhiệm bầu bổ sung đồng chí Đào Ngọc Cần - Trưởng công an huyện vào Ban Chấp hành.
- Ngày 17/5/2004, Ban Chấp hành họp bầu bổ sung đồng chí Đào Ngọc Cần vào Ban Thường vụ. Lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu đồng chí Trần Văn Nguyên vào Ban Chấp hành thay đồng chí Nguyễn Quang Toản chuyển công tác lên trường quân sự tỉnh. Ngày 10/9/2004 đồng chí Nguyên được Ban Chấp hành bầu vào Ban Thường vụ
- Ngày 3/6/2005 họp Ban chấp hành thông báo đồng chí Nguyễn Thái Học chuyển công tác lên tỉnh, giới thiệu đồng chí Phan Thị Nga vào Ban Chấp hành khoá V.
- Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Hà nhiệm kỳ V (2005 - 2010)
1. Đồng chí Đoàn Văn Việt
2. Đồng chí Trần Thanh Phương
3. Đồng chí Phạm Văn Khả
4. Đồng chí Đinh Tấn Bái
5. Đồng chí Đào Ngọc Cần
6. Đồng chí Trần Văn Nguyên
7. Đồng chí Nguyễn Ngọc Cường
8. Đồng chí Lê Thị Nhàn
9. Đồng chí Lê Vũ Thắng
10. Đồng chí Hà Văn Thuận
11. Đồng chí Trần Văn Tự
12. Đồng chí Nguyễn Hà Bạo
13. Đồng chí Phạm Văn Bắc
14. Đồng chí Trần Văn Ca
15. Đồng chí Đinh Thị Kim Chi
16. Đồng chí Đinh Đức Chí
17. Đồng chí Nguyễn Thị Chinh
18. Đồng chí Trần Chiến
19. Đồng chí Nguyễn Tấn Hùng
20. Đồng chí Trần Xuân Khánh
21. Đồng chí Trương Quốc Khánh
22. Đồng chí Lê Thị Liên
23. Đồng chí Lê Văn Liệu
24. Đồng chí Ngô Thị Luân
25. Đồng chí Danh Mố
26. Đồng chí Phan Thị Nga
27. Đồng chí Lăng Văn Niệp
28. Đồng chí Nguyễn Văn Phụng
29. Đồng chí Trần Lệ Quyên
30. Đồng chí KK’Roong
31. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh
32. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh
33. Đồng chí Hoàng Sơn
34. Đồng chí Nguyễn Đức Tài
35. Đồng chí K’ Tân
36. Đồng chí Nguyễn Thị Tâm
37. Đồng chí Vũ Xuân Trường
38.. Đồng chí Đỗ Văn Tú
39. Đồng chí Nguyễn Thị Tường Vi
Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Đoàn Văn Việt
2. Đồng chí Trần Thanh Phương
3. Đồng chí Phạm Văn Khả
4. Đồng chí Trần Văn Nguyên
5. Đồng chí Hà Văn Thuận
6. Đồng chí Trần Văn Tự
7. Đồng chí Đinh Tấn Bái
8. Đồng chí Nguyễn Ngọc Cường
9. Đồng chí Lê Thị Nhàn
10. Đồng chí Lê Vũ Thắng
11. Đồng chí Đào Ngọc Cần
UBKT Huyện uỷ gồm:
1. Đồng chí Lê Vũ Thắng - UVTV, Chủ nhiệm UBKT
2. Đồng chí Trần Xuân Khánh - HUV, Phó CN UBKT
3. Đồng chí Lê Văn Liệu - HUV, Uỷ viên.
4. Đồng chí Đinh Thị Kim Chi - HUV, Uỷ viên.
5. Đồng chí Nguyễn Văn Tân - Uỷ viên.
6. Đồng chí Nguyễn Bá Hộ - Uỷ viên
Danh sách Bí thư, Phó bí thư Huyện uỷ qua các nhiệm kỳ
1. Đ/c Phan Hữu Giản - Bí thư Huyện uỷ Lâm Hà (1987 - 1991)
2. Đ/c Nguyễn Văn Trí - Bí thư Huyện uỷ
3. Đ/c Hoàng Trọng Thể - Phó BT, Chỉ tịch UBND huyện (1987 - 1991)
4. Đ/c Nguyễn Quốc Triều - Bí thư Huyện uỷ (1995 - 2005)
6. Đồng chí Nguyễn Thị Việt - Phó Bí thư Huyện uỷ (1995 - 2005)
7. Đ/c Chu Đình Quỹ - Phó BT, Chủ tịch UBND huyện (1995 - 2000)
8. Đ/c Trần Thanh Phương - Phó BT, Chủ tịch UBND huyện (2000 - 2010)
9. Đ/c Đoàn Văn Việt - Bí thư Huyện uỷ (2004 - 2006)
10. Đ/c Phạm Kim Khang - Bí thư Huyện uỷ (2007 - 2010)
11. Đ/c Phạm Văn Khả - Phó bí thư Huyện uỷ (2005 - 2010)
Lâm thời:
Đ/c Phan Hữu Giản - Bí thư Huyện uỷ Lâm Hà (1987 - 1991)
Đ/c Nguyễn Văn Trí - Phó Bí thư Huyện uỷ
Đ/c Hoàng Trọng Thể - Phó BT, Chỉ tịch UBND huyện (1987 - 1991)
Khoá 1:
Đ/c Phan Hữu Giản - Bí thư Huyện uỷ Lâm Hà (1987 - 1991)
Đ/c Hoàng Trọng Thể - Phó BT, Chỉ tịch UBND huyện (1987 - 1991)
Đ/c Nguyễn Văn Trí - Phó Bí thư TT Huyện uỷ
Khoá 2:
Đ/c Phan Hữu Giản - Bí thư Huyện uỷ Lâm Hà (1987 - 1991)
Đ/c Nguyễn Văn Trí - Phó Bí thư CT UBND huyện, Bí thư Huyện uỷ
Đ/c Nguyễn Quốc Triều - Phó Bí thư TT Huyện uỷ (1995 - 2005)
Khoá 3:
Đ/c Nguyễn Quốc Triều - Bí thư Huyện uỷ (1995 - 2005)
Đồng chí Nguyễn Thị Việt - Phó Bí thư Huyện uỷ (1995 - 2005)
Đ/c Chu Đình Quỹ - Phó BT, Chủ tịch UBND huyện (1995 - 2000)
Khoá 4:
Đ/c Nguyễn Quốc Triều - Bí thư Huyện uỷ (1995 - 2005)
Đồng chí Nguyễn Thị Việt - Phó Bí thư Huyện uỷ (1995 - 2005)
Đ/c Trần Thanh Phương - Phó BT, Chủ tịch UBND huyện (2000 - 2010)
Khoá 5:
Đ/c Trần Thanh Phương - Phó BT, Chủ tịch UBND huyện (2000 - 2010)
Đ/c Đoàn Văn Việt - Bí thư Huyện uỷ (2004 - 2006)
Đ/c Phạm Kim Khang - Bí thư Huyện uỷ (2007 - 2010)
Đ/c Phạm Văn Khả - Phó bí thư Huyện uỷ (2005 - 2010)